2020 - “bước ngoặt” của kinh tế Việt Nam
2020 là năm đánh dấu nhiều cột mốc mang tính “bước ngoặt” của Việt Nam. Sau những nỗ lực kiểm soát Covid-19 chủ động và bình tĩnh, Việt Nam được đánh giá là điểm đến tin cậy và là quốc gia thu hút được nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài bao gồm Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore… Tại thời điểm này, so với các nước khác trong ASEAN, Việt Nam được coi là một môi trường kinh doanh tiềm năng nhờ vào một nền chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn, và là môi trường sống lý tưởng cho người nước ngoài.
Năm 2020 cũng là năm đánh dấu kỷ niệm chặng đường 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995-2020). Trong suốt thời gian qua, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng hơn 170 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 77,6 tỷ USD vào năm 2019. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu có tốc độ tăng cao nhất của Hoa Kỳ trong các đối tác Đông Nam Á. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng nhận định: “Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian gần đây đã giúp Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.
Cùng với đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư của Hoa Kỳ sang Việt Nam đã bắt đầu diễn ra do tác động của cuộc chiến tranh thương mại và càng trở nên rõ rệt hơn khi Trung Quốc đang chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19.
Theo các chuyên gia, Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này nhờ thành công trong ngăn chặn dịch bệnh. Các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam và con số này đang ngày một tăng thêm. Cụ thể, Google và Microsoft (Hoa Kỳ) đang chuyển một số dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Tập đoàn Ford cũng quyết định gia tăng năng lực sản xuất bằng việc đầu tư nhà máy lắp ráp tại Hải Dương. General Electric (GE) cũng đã tăng vốn đầu tư vào nhà máy tourbin gió ở Hải Phòng và đang có nhu cầu mở rộng. Chính phủ Việt Nam đã cấp phép cho tập đoàn năng lượng lớn của Hoa Kỳ là AES được triển khai dự án khí LNG ở Sơn Mỹ.
Làm gì để Việt Nam tăng tốc thu hút FDI Hoa Kỳ?
Thực tế cho thấy, Việt Nam đã phần nào trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ hội này không chỉ dành riêng cho Việt Nam, một cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư đang diễn ra rất mạnh mẽ tại khu vực châu Á, đặc biệt là hai “ông lớn” đang muốn cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam là Ấn Độ và Indonesia. Điều này cho thấy chúng ta cần phải “linh hoạt chuyển mình” hơn để có thể trở thành sự lựa chọn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Với tình hình hiện tại, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nhìn nhận “thu hút FDI” sẽ là đòn bẩy và góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế. Vì thế cần phải có kế hoạch chiến lược mang tầm “quốc gia” - thống nhất và chỉ đạo từ Chính phủ trong công tác minh bạch các thủ tục đấu thầu, tinh gọn các thủ tục hành chính kinh doanh… để có thể sẵn sàng chuyển hóa các cơ hội.
Hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhà đầu tư, cùng với chính sách của Chính phủ, ở mỗi địa phương đều có những cam kết, hỗ trợ riêng để thu hút đầu tư Hoa Kỳ. Điển hình là TP. Hồ Chí Minh. Hiện thành phố đưa ra 3 lĩnh vực mời gọi đầu tư từ Hoa Kỳ gồm đô thị thông minh, phát triển khu đô thị sáng tạo và tương tác cao phía Đông và xây dựng trung tâm tài chính. Theo Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Thành Phong - thành phố cam kết đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực. Thành phố cũng sẽ quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số, gia tăng năng lực điều hành của chính quyền, nâng cao sự hài lòng của người dân, lắng nghe và phản hồi tích cực với các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Terence Alford - Giám đốc Phòng Thị trường vốn và Dịch vụ đầu tư Colliers International - cho biết: Khi dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ dẫn đến sự phát triển cho ngành bất động sản. Dòng vốn tài chính sẽ giúp hỗ trợ nhiều dự án khu dân cư và bất động sản công nghiệp quy mô lớn đang được lên kế hoạch trên khắp Việt Nam trong những năm tới.
“Và cũng như thu hút đầu tư nói chung, vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam là đảm bảo thị trường bất động sản đang mở rộng có giá cả phải chăng cũng như được quy hoạch và thiết kế phù hợp. Khả năng chi trả sẽ là một trong những yếu tố chính để đảm bảo người dân có thể hưởng lợi từ thị trường bất động sản ngày càng mở rộng, nghĩa là tiền lương sẽ cần phải tăng theo lạm phát cho thuê trong những năm tới”, ông Terence Alford nhận xét.