Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Trường đại học Văn Hiến phối hợp với Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức sáng ngày 2/8, tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Giai đoạn 2011-2017, lượng khách quốc tế tăng 2,1 lần, từ hơn 6 triệu lên hơn 12,9 triệu lượt khách. Khách du lịch nội địa cũng tăng 2,4 lần, từ 30 triệu lên 73,2 triệu lượt. Năm 2018 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu lượt khách, tăng khoảng 20% so với năm 2017.
Theo ông Đông, hiện nay, cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn, gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 71 trường trung cấp.
Ông Trần Văn Thiện - Hiệu trưởng Trường đại học Văn Hiến - cho biết: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Hiện nay, du lịch chiếm vị trí hàng đầu trong thương mại toàn cầu, được coi là ngành xuất khẩu và tạo việc làm lớn nhất thế giới.
Ông Trần Văn Thiện - Hiệu trưởng Trường đại học Văn Hiến phát biểu tại hội thảo |
Theo ông Thiện, những năm gần đây, ngành du lịch nước ta đã thu hút hàng chục triệu du khách khắp nơi trên thế giới, nhanh chóng nâng cao tỷ trọng thu nhập trong GDP của nền kinh tế quốc dân, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Với Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ sẽ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nên đã và sẽ ban hành nhiều chính sách để tạo thuận lợi cho ngành du lịch phát triển.
Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng, ngành Du lịch Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ về nhiều mặt, nổi bật trong đó là vấn đề về “Xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Mặc dù ngành Du lịch đã có những cố gắng huy động cộng đồng, các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của quốc tế để phát triển nguồn nhân lực. Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung ngành du lịch vẫn trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới của nền kinh tế đất nước và hội nhập toàn cầu.
“Để thực hiện mục tiêu đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi cần phải có những chính sách đột phá, các giải pháp tổng thể, phải tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, để khơi thông, tạo điều kiện cho ngành du lịch có những bước phát triển mới. Vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao đang là thách thức lớn đối với du lịch Việt Nam hiện nay và trong những năm sắp tới”, ông Thiện nhấn mạnh.
Ông Thiện đánh giá, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đó là đội ngũ những người lao động có trí tuệ cao, có trình độ tay nghề giỏi, có phẩm chất tốt đẹp, được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng hiện đại, có khả năng đáp ứng được các yêu cầu mới của ngành du lịch để hội nhập thành công với ngành du lịch của các nước trên thế giới.
“Chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; có sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đưa Việt Nam thành một trong những điểm đến du lịch được ưa chuộng và có đẳng cấp trên thế giới” - ông Thiện nhận định.
Các diễn giả, chuyên gia trình bày tại hội thảo |
Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung trình bày các tham luận tập trung ở các nội dung chính như: những nghiên cứu về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phát triển du lịch nói chung và nhân lực du lịch nói riêng; một số kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế về phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao cùng bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; những vấn về thực trạng, yêu cầu mới cũng như các nhân tố tác động và những giải pháp đột phá đề phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và hội nhập quốc tế.
Vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khách du lịch quốc tế hay liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nhân lực du lịch hay chủ đề Phương pháp giảng dạy du lịch bậc đại học trong bối cảnh CMCN 4.0 cũng được các diễn giả đề cập tại các báo cáo tham luận.