Phát triển bền vững |
Ngày 21/12 tại Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển (APD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị”.
Để đẩy nhanh tiến trình hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp |
Theo thông tin từ hội thảo, đối với toàn cầu, năm 2022 là năm đánh dấu tròn 5 năm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong khi đó, đây là năm thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề, đặt ra những thách thức đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.
Tại Việt Nam, 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs của toàn cầu đã được Việt Nam quốc gia hoá trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 (NAP) với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Đến nay về cơ bản, các chính sách hướng dẫn chung để cụ thể hoá việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đã được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ, góp phần rất lớn vào việc quốc gia hoá và thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam.
Tuy nhiên, về tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam, TS Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Theo góc nhìn của xếp hạng chỉ số SDGs toàn cầu (SDI), Việt Nam đạt được điểm số tốt nhất cho SDG 4 (mục tiêu liên quan đến chất lượng giáo dục) với 97,83 điểm và có khả năng hoàn thành vào năm 2030.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đạt được những thành tựu nhất định trong việc thực hiện mục tiêu 1 (chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi) với 95,63%, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều giảm mạnh, từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 3,36% vào năm 2022. Mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng giảm nghèo, nhưng nhìn chung hệ thống an sinh xã hội vẫn được giữ vững và làm trụ đỡ hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch bệnh…
Nhiều mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam khó có khả năng đạt được vào năm 2030 |
Tuy nhiên, vẫn có những mục tiêu Việt Nam đạt tỷ lệ thấp như mục tiêu số 15 về Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, hiện tỷ lệ hoàn thành mới đạt 46,49%.
Từ thực trạng trên, TS Lê Việt Anh cho rằng: Nhiều mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam khó có khả năng đạt được vào năm 2030, nhất là trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột chính trị diễn ra gay gắt. Cùng với đó, dịch Covid-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường còn lớn, phát triển kinh tế - xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, ngay cả khi trước dịch Covid-19, thế giới đã không đi đúng hướng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, trong khi đó, dịch Covid-19 đã làm cho việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững trở nên khó khăn hơn. Đối với Việt Nam, dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong thực hiện một số chỉ tiêu, song vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn đối với việc thực hiện các mục tiêu còn lại.
PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc APD cho biết, trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra, như: Quan điểm về nội hàm và các bộ phận cấu thành phát triển bền vững, mô hình lý thuyết thực hiện phát triển bền vững ở các quốc gia; Trên khía cạnh đánh giá, giám sát thực hiện phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững chưa được định lượng bằng các chỉ số cụ thể, nên việc đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố; Việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Theo đó, để đẩy nhanh tiến trình hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững, TS. Lê Việt Anh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, hoàn thiện thể chế, thực hiện quá trình phục hồi xanh, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực…
Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Để hoàn thành các mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra nhiệm vụ và giải pháp chung, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành tại Quyết định 122/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 và Kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình nghị sự 2030, tập trung vào những nội dung: Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; Tăng cường thông tin, truyền thông; Phát huy vai trò và sự tham gia của các bên liên quan; Bố trí, huy động và tăng cường nguồn lực tài chính; Tăng cường hợp tác quốc tế. |