Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen diễn ra trong bối cảnh quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được vun đắp, phát triển kể từ khi chính thức được thiết lập cách đây hơn 50 năm. Hai nước đang đẩy mạnh quan hệ theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Lễ đón Thủ tướng Campuchia được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch |
Sáng ngày 4/10, lễ đón chính thức Thủ tướng Vương quốc Campuchia đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Hun Sen.
Trao đổi về quan hệ hai nước, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định, quan hệ Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em gắn kết, bền chặt không thể tách rời. Hai nước đã từng kề vai sát cánh, cùng hy sinh xương máu đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân mỗi nước, đó là tài sản quý báu mà cả hai nước cùng quyết tâm gìn giữ và không ngừng nuôi dưỡng, truyền cảm hứng cho các thế hệ con cháu mai sau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Samdech Techno Hun Sen |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm, với việc hai nước ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền.
“Đây là sự kiện chính trị hết sức quan trọng, đánh dấu một mốc lịch sử trong tiến trình giải quyết biên giới giữa hai nước, là nền tảng để hai bên tiến tới hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Samdech Techno Hun Sen tại buổi họp báo |
Về thương mại, đầu tư, trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển nhanh chóng và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng đều qua từng năm và đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 với hơn 4,7 tỷ USD (tăng 24% so với năm 2017), 9 tháng đầu năm 2019 đã đạt 4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018.
“Với đà tăng trưởng này, kim ngạch thương mại hai chiều có khả năng vượt mức 5 tỷ USD trong năm 2019” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định và nhấn mạnh sẽ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều hướng tới những mục tiêu cao hơn trong những năm tới.
Về đầu tư, Việt Nam có trên 200 dự án đầu tư vào Campuchia, tổng vốn đăng ký trên 3 tỷ USD, tập trung trong một số lĩnh vực: trồng cao su, viễn thông, tài chính, ngân hàng, năng lượng… Các công ty lớn của Việt Nam đầu tư vào Campuchia gồm: Miliket, Vifon, Bitis, Bình Điền, Acecook, các ngân hàng lớn (BIDV, SHB, Agribank, Sacombank, MB), doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam (Viettel, Cao su, Điện lực...).
Với những kết quả đáng ghi nhận, hai Thủ tướng đều nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, đặc biệt là kết nối các tuyến giao thông đường bộ, đường sông, kết nối điện năng, du lịch, tài chính, ngân hàng… Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư; phối hợp xây dựng khung chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí làm sâu sắc quan hệ chính trị thông qua tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác song phương; tăng cường trao đổi về các vấn đề an ninh chiến lược, phối hợp chặt chẽ nhằm bảo vệ vững chắc môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của mỗi nước; kiên định nguyên tắc không cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này để gây phương hại đến an ninh của nước kia.
Bên cạnh đó, hai Thủ tướng nhất trí phối hợp tìm biện pháp hợp lý nhất, phù hợp với tình hình và điều kiện của hai bên, nhằm giúp cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia sinh sống ổn định, thuận lợi, bảo đảm địa vị pháp lý, tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Campuchia.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; khẳng định phối hợp chặt chẽ nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN, giữ vững những nguyên tắc của ASEAN, củng cố đoàn kết, tự cường và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và Tiểu vùng Mekong mở rộng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Trước mắt, hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Campuchia đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM.
Bộ Công Thương ký kết với Bộ Thương mại Campuchia 3 văn kiện hợp tác |
Ngay sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký 7 văn kiện hợp tác gồm: Hiệp định viện trợ triển khai dự án Nhà làm việc của Ban Thư ký Quốc hội Campuchia; Hiệp định viện trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc dự án Trung tâm dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện, dựa vào cộng đồng tại tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia; Bản ghi nhớ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới; Bản ghi nhớ về tiến độ xây dựng và kế hoạch bàn giao Chợ biên giới kiểu mẫu tại xã Đa, tỉnh Tbong Khmum, Campuchia; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực điện năng.