Thứ năm 15/05/2025 07:34

Việt Nam - Campuchia ký kết văn kiện về phân giới cắm mốc

Sáng 5/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Samdech Techno Hun Sen đồng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2006-2019 và ký văn kiện pháp lý quan trọng về biên giới.  

Đó là Hiệp định hoạch định biên giới Nhà nước năm 1985 và Hiệp định bổ sung năm 2005. Đồng thời, chứng kiến lễ ký Nghị định thư về hoạch định và cắm mốc biên giới đất liền giữa Campuchia và Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để hai nước tiến tới hoàn tất toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc trên bộ, xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lễ ký trọng thể hôm nay là tuyên bố mạnh mẽ với khu vực và thế giới của hai quốc gia độc lập, có chủ quyền là CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia về ý chí, quyết tâm hợp tác xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi, vì hạnh phúc và phồn vinh của nhân dân hai nước.

Hoàn thành 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới

Trong những năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ theo phương châm “láng giếng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Trên đà phát triển đó, các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại, trong đó có vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Campuchia đã và đang từng bước được giải quyết tích cực.

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia có chiều dài khoảng 1.245 km (tính từ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia đến sát mép biển Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 09 tỉnh của Campuchia. Trong gần nửa thế kỷ qua, Việt Nam và Campuchia đã tiến hành nhiều đợt đàm phán, ký kết được nhiều văn kiện pháp lý để ghi nhận thành quả giải quyết biên giới giữa hai nước, góp phần xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài, bảo vệ an ninh biên giới, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn sinh sống của nhân dân hai bên khu vực biên giới.

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia đã được hoạch định trong Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 27/12/1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 10/10/2005. Trên cơ sở hai Hiệp ước này, Việt Nam và Campuchia đã triển khai công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền từ đầu năm 1986.

Tính tới thời điểm đầu tháng 12/2018, hai bên đã xác định và xây dựng được 315/371 cột mốc chính, trong đó có: cột mốc ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, cột mốc có số hiệu cuối cùng 314 trên đường biên giới đất liền, các cột mốc đại có gắn quốc huy ở 10/10 cặp cửa khẩu quốc tế, các cột mốc ở hầu hết các cửa khẩu chính, ở nơi có đường giao thông lớn qua lại biên giới, khu vực đông dân cư....

Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; bộ trưởng nhiều bộ, ngành...

Ông Lê Hoài Trung – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia – cho biết, theo đề nghị của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã giao Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc trao đổi, thống nhất cắm bổ sung thêm hệ thống cột mốc phụ, cọc dấu giữa các cột mốc chính ở những nơi đã phân giới xong để làm rõ thêm hướng đi của đường biên giới.

Kết quả, từ năm 2015 đến cuối tháng 11/2018, hai bên đã tiến hành xác định và xây dựng được 1511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu. Về công tác phân giới và lập hồ sơ, tính đến tháng 9/2019, hai bên đã hoàn thành công tác phân giới trên thực địa và lập hồ sơ khoảng 1.045 km đường biên giới. Căn cứ số lượng cột mốc chính đã cắm và số chiều dài đường biên giới đã phân giới được, công tác phân giới, cắm mốc đã đạt khoảng 84% khối lượng công việc.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đánh gía cao đối với Ủy ban hỗn hợp biên giới của hai nước đã đạt được thành tựu đáng tự hào này, kể cả công việc trên thực địa và việc xây dựng tư liệu văn bản pháp lý có ý nghĩa lịch sử, một cách tỉ mỉ, nghiêm túc và có giá trị cao.

Nếu chúng ta không cố gắng chấm dứt vấn đề biên giới này, hai nước chúng ta sẽ còn có mâu thuẫn kéo dài những đời về sau nữa về biên giới và nó cũng rất dễ trở thành chủ đề tranh giành lợi dụng trong vấn đề chính trị…” – Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh.

Sớm hoàn thành 16% đường biên giới còn lại

Nhấn mạnh việc Việt Nam và Campuchia có được khoảng 84% chiều dài đường biên giới đã được phân giới cắm mốc rõ ràng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng,đây là một tài sản quý báu để lại cho muôn đời con cháu mai sau.

Tuy nhiên, vẫn còn 16% đường biên giới còn lại chưa được phân giới cắm mốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc và các cơ quan, địa phương liên quan của hai nước tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa.

Cụ thể, sớm triển khai kế hoạch của Ủy ban liên hợp hai nước để văn kiện pháp lý biên giới này đi vào thực tiễn sau khi có hiệu lực. Đối với 16% đường biên giới còn lại chưa phân giới cắm mốc, lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc để sớm hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đạc biệt là các điều ước quốc tế có liên quan được ký kết giữa hai nước.

Do công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền của Việt Nam và Campuchia chưa hoàn thành toàn bộ, nên công tác quản lý, giữ gìn trật tự, trị an khu vực biên giới cần phải được chú trọng. Ngoài ra, hai bên cần hợp tác xây dựng ngay Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và quản lý cửa khẩu biên giới mới để thay thế Hiệp định ký năm 1983 cho phù hợp với tình hình mới” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Thủ tướng hai nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia

Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cũng khẳng định, Chính phủ Hoàng gia Campuchia kiên quyết lập trường xây dựng biên giới Campuchia – Việt Nam dựa trên luật pháp quốc gia, luật quốc tế và thực tiễn quốc tế về việc chấp nhận nguyên tắc đường biên giới không thay đổi mà thực dân Pháp đã để lại, để tiếp tục làm cơ sở vững chắc nhằm hoàn thành giải quyết vấn đề biên giới hai nước.

Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ biến đường biên giới Campuchia – Việt Nam cũng như đường biên giới Campuchia – Lào và Thái Lan trở thành biên giới quốc tế thật sự, nhằm chấm dứt mọi hành vi vi phạm biên giới, cùng nhau biến biên giới trở thành khu vực không có sự sợ hãi, khu vực yên ổn cho cuộc sống của người dân và là khu vực có sự phát triển bền vững và thịnh vượng” – Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh.

Thu Phương - Bùi Hùng

Tin cùng chuyên mục

Đại tá Lương Đình Chung giữ chức Chính ủy Quân khu 5

Chính quyền địa phương hai cấp: Dấu mốc cải cách thể chế lịch sử

Nghiên cứu sắp xếp lại tổ dân phố trước ngày 31/5

Thủ tướng: Mở đợt đấu tranh cao điểm chống hàng giả, gian lận thương mại

Sửa Hiến pháp năm 2013: Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên cơ chế chất vấn

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Hoàn thiện chính sách chống buôn lậu, gian lận thương mại

Sửa Hiến pháp cần thể chế rõ mô hình chính quyền hai cấp

Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt buôn lậu hàng giả

Thảo luận về sửa Hiến pháp: Bảo đảm tính thống nhất, không bỏ sót quyền hạn địa phương

Thủ tướng: Xây dựng, phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam

Những hiện vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Thủ tướng làm việc với doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam

Mở rộng không gian phát triển dược liệu từ rừng

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Mỗi đồng vốn Nhà nước đầu tư phải có mục tiêu sinh lời rõ ràng

Từ Nghị quyết 68 đến luật quản lý vốn: Nhận thức rõ hơn về vai trò doanh nghiệp nhà nước

Luật về vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cần có cơ chế bảo vệ tài sản Nhà nước

Miễn thuế đất nông nghiệp đến năm 2030: Cánh tay tài khóa hỗ trợ tam nông

Chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm: Mở ra chương mới hợp tác với các nước bạn bè truyền thống

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, cải thiện môi trường kinh doanh