Việt Nam -Bờ Biển Ngà: Đẩy mạnh hợp tác thương mại song phương
Việt Nam và Bờ Biển Ngà thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/10/1975. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên luôn coi trọng hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Bờ Biển Ngà và các nước châu Phi, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp. Hai bên cũng đã ký kết nhiều văn bản hợp tác như: Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (tháng 5/2014); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (18/4/2017).
Quan hệ chính trị hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà là tiền đề căn bản để hai nước phát triển hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư. Từ năm 2015 tới nay, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà phát triển nhanh chóng, chủ yếu nhờ Việt Nam nhập điều thô và bông. Bờ Biển Ngà là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Phi và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu lục này với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 1,04 tỷ USD.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2023 thương mại Việt Nam – Bờ Biển Ngà đạt 293,61 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam nhập siêu 110 triệu USD hàng hóa từ Bờ Biển Ngà.
Về xuất khẩu, 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này đạt 91,59 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022. Gạo, chất dẻo nguyên liệu và hàng dệt may là 3 mặt hàng chính xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 160.662 tấn gạo với trị giá 76,72 triệu USD, giảm 34% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Gạo hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, chiếm 83% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà.
Kim ngạch xuất khẩu chất dẻo nguyên liệu và hàng dệt may đạt lần lượt 1,89 và 0,04 triệu USD, lần lượt giảm 3% và tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022.
Về nhập khẩu, 5 tháng đầu năm 2023, hàng hóa nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà đạt 202,02 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2022. Hai mặt hàng chủ yếu nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà là hạt điều và bông. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hạt điều đạt 183 triệu USD, tăng 29%; bông đạt 2,7 triệu USD, giảm tới 91%.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục ghi nhận nhập siêu hàng hóa từ Bờ Biển Ngà. Nếu như năm 2013, Việt Nam chỉ nhập siêu 8,14 triệu USD thì đến năm 2017 lên tới mức 778 triệu USD. Bắt đầu từ giai đoạn 2018 – 2020 sự chênh lệch xuất khẩu và nhập khẩu giảm dần, kéo theo kết quả cán cân thương mại gần hơn, từ nhập siêu 615 triệu USD (năm 2018) xuống còn 381 triệu USD (năm 2020).
Sang năm 2021, do trị giá nhập khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà tăng vọt lên tới 62%, trong khi các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này lại tăng không đáng kể khiến Việt Nam ghi nhận nhập siêu hàng hóa tới 780 triệu USD từ nước bạn. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Việt Nam nhập siêu trong hơn 30 năm xuất khẩu điều nhân ra thế giới, trong đó nhập điều thô hơn 4,1 tỷ USD và xuất khẩu điều nhân khoảng 3,6 tỷ USD.
Năm 2022, cùng với đà giảm nhập khẩu hạt điều, cán cân thương mại Việt Nam – Bờ Biển Ngà giảm xuống còn -343 triệu USD.
Về các mặt hàng nhập khẩu, giai đoạn 2013 – 2022, hạt điều và bông luôn là hai mặt hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà, chiếm trên 95% tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này. Ngược lại, gạo, chất dẻo nguyên liệu và hàng dệt may là 3 mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang nước này. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Bờ Biển Ngà có xu hướng giảm, có năm không ghi nhận số liệu xuất khẩu.
Mặt hàng gạo là mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất sang Bờ Biển Ngà nhưng cũng ghi nhận sự tăng trưởng không đồng đều.
Theo thông cáo từ Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13/6 -16/6. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà tới Việt Nam và cũng là lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Bờ Biển Ngà thăm Việt Nam sau 48 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. |