Thị trường gần gũi
ASEAN là thị trường xuất khẩu đứng thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU). Năm 2020, với các ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam – ASEAN có sự suy giảm nhẹ, giảm 6,8% so với 2019, đạt 53,6 tỉ USD. Sang 2021, thương mại Việt Nam – ASEAN đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam – ASEAN trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt 56,6 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình của Việt Nam với thế giới là 22,6%. Những kết quả trên là nỗ lực tìm hiểu, khai thác lợi thế, cơ hội mà khu vực thị trường ASEAN mang lại.
Về địa lý, ASEAN là thị trường gần gũi giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho bãi, doanh nghiệp cũng được chọn phương thức vận chuyển hàng hóa như vận tải đường biển, đường bộ, hàng không. ASEAN là khu vực thị trường có sự đa dạng về văn hóa nhưng vẫn có sự thống nhất trong tổng thể. Tuy mỗi nước có phong tục tập quán riêng nhưng đều có nền tảng văn hóa nông nghiệp, vì vậy, thói quen, thị hiếu tiêu dùng gẫn gũi, giao thoa, có nhiều nét tương đồng. Do đó, hàng hóa của Việt Nam có thể thâm nhập và được ưa chuộng tại thị trường ASEAN, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng cũng như giá thành.
Hơn nữa, việc xuất khẩu sang ASEAN là bước đầu để hàng hóa Việt Nam tiếp tục thâm nhập các thị trường khác yêu cầu cao hơn và khó tính hơn. Hiện nay hầu hết các hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN đã được hưởng ưu đãi thuế quan 0% theo hiệp định thương mại hàng hóa 0% hoặc được hưởng một số ưu đãi hàng hóa đặc biệt hơn theo một số thỏa thuận song phương mà Việt Nam đã kí với các nước Lào và Campuchia. Ngoài ra, trong thời gian tới, các nước ASEAN đẩy nhanh triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch như các cam kết về mở cửa thị trường, đảm bảo các chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại,… Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác hơn nữa tiềm năng khu vực thị trường này.
Tại hội thảo quốc tế “Giới thiệu Quy định quản lý Xuất nhập khẩu mới và các cơ hội giao thương với các thị trường ASEAN trong thời kỳ hậu Covid-19”, diễn ra dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp ngày 26/11, ông Nguyễn Phúc Nam – Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương – nhận xét: “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có tác động sâu sắc đến chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa giữa các quốc gia, gia tăng chi phí logistics, chúng tôi nhận thấy thị trường ASEAN với thuận lợi về khoảng cách địa lý đang mở ra những cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam.”
Nhiều cơ hội hậu đại dịch
Tuy nhiên, ông Nam cũng cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa dành sự quan tâm đúng mức cho thị trường này hoặc chưa nắm bắt được thông tin về thị trường cụ thể, đặc biệt kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trên thực tế, các nước ASEAN đang bước vào giai đoạn phục hồi, có nhu cầu lớn trong nhập khẩu hàng hóa. Trong đó có thể kể đến Thái Lan và Singapore.
Thái Lan hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN. Theo cơ quan thống kê của Thái Lan, tính đến hết 10 tháng 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thái Lan đạt trên 443 tỉ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2020. Đáng chú ý, các nhóm hàng nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh từ 8% đến trên 100% hầu hét là nguyên liệu đầu vào, máy móc phục vụ sản xuất.
“Đây là dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất của Thái Lan phục hồi mạnh mẽ” – Bà Trần Thị Thanh Mỹ - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan nhận xét. Bà Mỹ cũng cho biết, Thái Lan đã nới lỏng các quy định xuất nhập khẩu khiến giao thương thuận lợi hơn, nối lại chuỗi sản xuất cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa, dịch vụ toàn cầu. Đây là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Singapore cũng tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Singapore đạt 4,1 tỉ đô Singapore (2,99 tỉ USD), năm 2020, con số này đã lên đến 5,5 tỉ đô Singapore (4,01 tỉ USD). Năm 2020 cũng là lần đầu tiên Việt Nam thặng dư khoảng 1 tỉ USD (730 triệu USD) nếu chỉ tính các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Singapore. 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này tăng đến 31% và thặng dư khoảng 600 triệu đô Singapore (437 triệu USD)
“Cũng phải lưu ý là Singapore là thị trường trung chuyển, nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam rất mạnh.” – Bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại tại Singapore cho biết.
Bà Quỳnh thông tin thêm, Singapore hiện đang đặt mục tiêu tự chủ 30% lương thực vào năm 2030 mặc dù nước này không có nền nông nghiệp. Do đó, để thực hiện được mục tiêu tham vọng này, nhu cầu hợp tác sản xuất lương thực, thực phẩm của đảo quốc sư tử là rất lớn. Hiện nay, Singapore rất quan tâm đến khả năng phối hợp canh tác để xuất khẩu sang nước này. Vì vậy, doanh nghiệp trang trại và trang trại có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức khi xuất khẩu sang thị trường này. Theo ông Nguyễn Phúc Nam, nhằm ứng phó với dịch bệnh cũng như phục hồi kinh tế, hỗ trợ sản xuất trong nước, các nước ASEAN đã ban hành nhiều chính sách, quy định mới liên quan đến kinh tế thương mại, xuất nhập khẩu, thông quan, phòng dịch, ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. “Một số quy định về phòng dịch có thể thay đổi rất nhanh, đột ngột, gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu như chúng ta không nắm bắt được thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác”, ông Nam nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Thanh Mỹ cũng chia sẻ, trong thời gian vừa qua, thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đã nhận được nhiều kiến nghị cao gấp 2 – 3 lần so với trước đại dịch về việc các doanh nghiệp lừa đảo, chủ yếu là một số doanh nghiệp mạo danh doanh nghiệp Thái Lan có uy tín để lửa doanh nghiệp Việt Nam. Bà Mỹ đề nghị, bất kỳ khi nào các doanh nghiệp thấy tín hiệu khả nghi, các doanh nghiệp có thể liên hệ với thương vụ để có thể xác minh nhằm phòng trừ rủi ro.