Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam Park Hang Seo: "Thành công đến từ tinh thần Việt Nam" |
Đích đến của Việt Nam vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập là phải hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, trong ba thập kỷ tới, Việt Nam phải không ngừng nỗ lực, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để trỗi dậy và phát triển, đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Tại Hội thảo “Việt Nam 2045 – Đổi mới để trỗi dậy trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0” vừa diễn ra tại Hà Nam, do UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Công ty Điện lực Hà Nam, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Viestar tổ chức, PGS-TS. Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, Thành viên tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ Việt Nam – cho biết; mục tiêu tâm nhìn năm 2045 của quốc gia có tính khả thi cao, bởi Việt Nam có các động lực nền tảng là khát vọng và tâm thế của người Việt sẵn sàng đổi mới; có vị trí chiến lược trong khu vực và trên thế giới; đồng thời thế giới đang mở ra nhiều cơ hội rộng mở trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các ngành kinh tế tại các địa phương đã có dấu hiệu tích cực đóng góp vào công cuộc phát triển chung của đất nước, nổi bật là các ngành: điện lực, viễn thông, thông nghiệp. Điển hình, về điện lực, Việt Nam đã vượt qua Indonesia, Philipines để tiến gần đến các nước có mức độ phát triển cao hơn, dẫn dắt cho nền kinh tế.
“Bốn khía cạnh lớn trong việc xây dựng nền tảng trong thời gian tới là kinh tế thị trường, thể chế, con người và văn hóa. Bốn trụ cột này mà đồng loạt được nâng cấp thì rõ ràng tính khả thi để Việt Nam trở thành một dân tộc hùng cường trong ba thập kỷ tới là hoàn toàn thực hiện được” - PGS- TS. Vũ Minh Khương nhận định.
Vì vậy, để đạt được các mục tiêu trong tương lai, bên cạnh việc tận dụng xu thế toàn cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam cần làm cháy lên khát vọng phát triển và ý chí sức mạnh từ lòng dân, sức dân… để gây dựng sự trỗi dậy kinh tế, phải vượt lên chính mình với sức mạnh cộng hưởng, phát triển bền vững phải bắt đầu từ tầm nhìn thời đại và ý thức trách nhiệm với thế hệ tương lai. Không chỉ nhạy bén nắm bắt cơ hội mà phải nhìn thấy những thách thức tiềm tàng cần vượt qua.
Chính phủ phải đi đầu trong nắm bắt đổi mới; phải khai thác tối đa sức mạnh thời đại. Mọi công dân, doanh nghiệp phải nắm bắt cơ hội, thời cơ trong công cuộc phát triển…
Hội thảo “Việt Nam 2045 – Đổi mới để trỗi dậy trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0” là diễn đàn với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế và hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước, thảo luận về chiến lược tận dụng thời cơ thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình thực hiện tầm nhìn khát vọng năm 2045: “Đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân phải là đội ngũ tiên phong trong công cuộc đổi mới, là động lực cho sự phát triển. Chính các doanh nghiệp là định hình cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam”. Hiện tại khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 60% GDP cả nước, trong thời gian tới cần nỗ lực đạt được mục tiêu đến giai đoạn 2030 – 2045, con số này đạt 80% theo lời Thủ tướng Chính phủ đã nói.
Sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua cũng được các chuyên gia đề cập tới như là kinh nghiệm tốt để phát triển kinh tế thông qua việc lan tỏa tinh thần đoàn kết, lòng tự trọng, ý chí quyết tâm phấn đấu... để bùng nổ sức mạnh Việt Nam.
Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam Park Hang Seo đánh giá cao tính quan trọng của việc kiến tạo sức mạnh tập thể: “Tôi và các học trò của mình sẽ không ngừng nỗ lực, tiếp tục vươn lên bằng ý chí, nghị lực và tinh thần Việt Nam. Chỉ khi có sự tin tưởng, tinh thần đoàn kết, ủng hộ và tiếp sức của nhân dân Việt Nam, chúng tôi mới thi đấu bất khuất và giành được chiến thắng”.
Tựu chung các ý kiến cho rằng, khai thác, tận dụng cơ hội rộng mở trên trường quốc tế và khơi dậy sức mạnh cộng hưởng của toàn dân tộc là phương châm cơ bản trên hành trình để Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường trong ba thập kỷ tới.