Tính ứng dụng cao
Trung bình mỗi năm, Viện Nghiên cứu cơ khí thực hiện khoảng 5 - 10 đề tài/nhiệm vụ KH&CN các cấp. Các đề tài do Viện thực hiện đã đáp ứng mục tiêu nội địa hóa, tiết kiệm ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, chủ động trong kế hoạch sản xuất. Nhiều đề tài sau khi thực hiện đã triển khai áp dụng có hiệu quả vào các công trình, nhà máy và được cơ sở sản xuất đánh giá cao.
Nghiên cứu khoa học - công nghệ tại Viện Nghiên cứu cơ khí |
Tiêu biểu như đề tài: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW. Việc Viện nghiên cứu và áp dụng thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đã mang tới hợp đồng kinh tế khoảng 1.184 tỷ đồng, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Bên cạnh đó, kết quả đề tài: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải tro xỉ đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện đốt than phun có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW đã được ứng dụng thành công vào Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, được Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) tin tưởng trao hợp đồng cung cấp hệ thống cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2.
Hay, kết quả đề tài: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị lọc bụi công suất lớn cho dây chuyền sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clinker/ngày đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất tại các nhà máy xi măng Hạ Long, Bút Sơn, Sông Thao và có khả năng áp dụng mở rộng cho các ngành công nghiệp nhiệt điện, hóa chất...
Gắn với chương trình trọng điểm
Tiến sĩ Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí - cho biết: Viện luôn xác định và coi hoạt động KH&CN là trọng tâm, hiệu quả hoạt động kinh tế phải dựa trên cơ sở hoạt động KH&CN mang lại. Viện vẫn chủ trương gắn liền hoạt động KH&CN với các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của đất nước.
Theo đó, trong năm 2021, bên cạnh thực hiện tốt, đúng tiến độ các đề tài còn lại thuộc dự án KH&CN "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến 600 MW", Viện tiếp tục tham gia sâu hơn các công việc thuộc lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Từ đó, bảo đảm cho Viện có lợi thế về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời tạo uy tín trên thị trường và tập trung được nguồn lực cho các dự án lớn. "Các đề tài/dự án KH&CN cấp Nhà nước và cấp Bộ vẫn tiếp tục triển khai với mục tiêu thiết thực, hiệu quả theo nhu cầu thực tế của các ngành công nghiệp trong và ngoài nước" - Tiến sĩ Phan Đăng Phong cho hay.
Ghi nhận hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu KH&CN của Viện thời gian qua, ông Trần Việt Hòa - Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - chia sẻ: Thời gian tới, trong điều kiện nguồn lực KH&CN có hạn, nên Bộ Công Thương sẽ tập trung vào những đề xuất với tiêu chí hiệu quả và đủ tầm, nhằm tránh dàn trải. Theo đó, Viện cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn trên cơ sở phát huy các thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu phát triển, với định hướng gắn hoạt động KH&CN của Viện với hoạt động KH&CN của ngành Công Thương, và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ KH&CN phải nhằm giải quyết cơ bản trọn vẹn một vấn đề của một lĩnh vực hay ngành thông qua một trùm hoặc chuỗi nhiệm vụ.
Viện Nghiên cứu Cơ khí hiện là đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Doosan.… hay các tập đoàn trong nước như EVN, TKV, VinGroup… Một số sản phẩm, giải pháp của Viện đã trực tiếp cạnh tranh và thắng thầu các công ty lớn của nước ngoài, mà trước đó Viện tham gia làm thầu phụ. |