Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam: Nghiên cứu khoa học dần đi vào trọng tâm, trọng điểm
Tin hoạt động 08/10/2020 14:44
Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu khoa học |
Nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận
Đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn vừa tới làm việc với Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) nhằm đánh giá tình hình hoạt động KH&CN của Viện.
Báo cáo tình hình hoạt động của Viện, TS. Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam - cho biết, trong thời gian qua, hoạt động của Viện được sự ủng hộ, giúp đỡ tận tình của các cơ quan quản lý cấp trên: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Bên cạnh đó, với đội ngũ cán bộ năng động và sáng tạo, phần lớn có trình độ từ đại học trở lên, Viện đã sớm thay đổi tư duy trong công tác quản lý và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; đề xuất các đề tài nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các cơ sở sản xuất.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam có nhiều sản phẩm nghiên cứu chất lượng được ứng dụng thành công |
Đồng thời, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN được tổ chức một cách nghiêm túc, kết quả nghiệm thu đã đánh giá thực chất năng lực nghiên cứu KH&CN trong Viện. Nhiều đề tài đã tạo ra sản phẩm KH&CN có giá trị; một số đề tài đã được chuyển sang dự án sản xuất thử nghiệm hoặc xây dựng được định hướng phát triển tiếp như các đề tài về vật liệu nano, về keo dán UF/UMF chất lượng cao… Đặc biệt, Viện đã nỗ lực trong việc xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đáp ứng nhu cầu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các doanh nghiệp trong tập đoàn về đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm.
TS. Hoàng Anh Tuấn dẫn ra ví dụ cụ thể như: Cụm công trình nghiên cứu liên quan đến thuốc tuyển quặng apatit loại III Lào Cai có giá trị ứng dụng triển khai trên 20 năm qua, hàng năm cung cấp cho Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam 400-700 tấn thuốc tuyển để kết hợp với thuốc tuyển của Thụy Điển thành bộ nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình tuyển quặng.
Một minh chứng khác là cụm công trình nghiên cứu liên quan đến các chất phụ gia cho phân bón (chế phẩm chống kết khối cho ure và DAP, chất tạo màu cho DAP, chất bổ sung vi lượng cho đạm ure) và hóa chất xử lý nước tuần hoàn có giá trị ứng dụng triển khai liên tục từ năm 2000 đến nay, hàng năm vẫn cung cấp sản phẩm cho các nhà máy: Đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai, đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau với chất lượng và giá cả cạnh tranh.
Ngoài ra, Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia công nghệ lọc, hóa dầu do Viện quản lý đã và đang được khai thác có hiệu quả; tạo ra những công trình, sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, tiếp cận trình độ các nước trong khu vực và quốc tế, trong đó nhiều công trình đã được áp dụng hiệu quả trên thực tiễn, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
“Các sản phẩm của Viện không chỉ góp phần ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm của các đơn vị sử dụng mà còn góp phần hạn chế việc ép giá, tăng giá tùy tiện của các nhà cung cấp khác; giảm nguyên liệu nhập khẩu” - TS. Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, đồng thời cho hay, cứ 1 triệu đồng kinh phí chi cho hoạt động triển khai khoa học và công nghệ (KH&CN), Viện đã thu thêm được khoảng 6,5 triệu đồng.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam |
Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh - dịch vụ của Viện 5 năm qua duy trì tốc độ phát triển ổn định với mức tăng trưởng bình quân khoảng 23%/năm. Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh - dịch vụ của Viện trong giai đoạn 2015 - 2019 trên 979 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, tạo nguồn vốn tái đầu tư phát triển và góp phần khẳng định sự thành công của Viện theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Gắn kết chặt chẽ với hoạt động của ngành
Đánh giá về hoạt động của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - cho rằng, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam có một xuất phát điểm tương đối tốt, thể hiện số lượng giáo sư, tiến sĩ cũng như cơ sở vật chất đã được đầu tư qua các năm… Hoạt động KH&CN của Viện đa dạng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu triển khai, ứng dụng về KH&CN, dịch vụ KH&CN… và có những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua. Điều này được thể hiện ở việc các đề tài, kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng tương đối cao, đạt được nhiều giải thưởng về KH&CN như giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN, giải thưởng VIFOTEC, Giải thưởng Kovaleskaia...
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, Viện đã xây dựng và có định hướng tương đối rõ nét trong hoạt động KH&CN. Thực tế, hoạt động KH&CN dần đi vào hướng có trọng tâm, trọng điểm và nhìn thấy rõ mục tiêu hướng tới trong quá trình đầu tư nhân lực, kinh phí từ các nguồn khác nhau cũng như hướng đầu ra của nghiên cứu, nhất là có sự phối hợp giữa các nhánh đơn vị trong Viện. Tuy nhiên, Viện cần xây dựng những kế hoạch chi tiết, lựa chọn những mũi nhọn tập trung để dồn lực đầu tư.
“Thời gian tới hoạt động nghiên cứu của Viện cần bám sát chiến lược KH&CN của ngành Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ nhằm giải quyết cơ bản trọn vẹn một vấn đề của một lĩnh vực hay ngành thông qua một trùm hoặc một chuỗi nhiệm vụ, tránh lãng phí nguồn lực, thời gian” - ông Trần Việt Hòa chỉ ra.
Ngoài ra, liên quan đến việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, ông Trần Việt Hòa cho rằng, hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành hóa chất vẫn còn thiếu, cần tiếp tục đẩy mạnh để có cơ sở làm bàn đạp phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự tham gia của Viện trong lĩnh vực này chưa được như mong muốn. Một trong những chức năng của Viện là chủ trì xây dựng, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng chiến lược, chính sách về KH&CN của ngành cũng như những công cụ quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn… Vì vậy, trong thời gian tới, Viện cần tập trung và chủ động hơn nữa trong lĩnh vực này.
“Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt lộ trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Các Cục, Vụ trong Bộ đã rất tích cực trong việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tuy nhiên, để thúc đẩy tiến độ, cần sự vào cuộc của tất cả các đơn vị có chuyên môn, thế mạnh” - lãnh đạo Vụ KH&CN nêu.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - nhận định, cách đi của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam cũng như các viện nghiên cứu giờ đây phải khác xưa, cần xuất phát từ hoạt động của doanh nghiệp, từ nhu cầu thực tế của thị trường. Cụ thể nên đầu tư các sản phẩm hiện có và phát triển tốt hơn. “Rõ ràng đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam có lợi thế, nên cần sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của tập đoàn hơn nữa trong định hướng phát triển, đề xuất và triển khai những chương trình cụ thể phục vụ trực tiếp cho KH&CN ngành hóa chất” - ông Nguyễn Văn Thanh gợi mở.
Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã có định hướng tương đối rõ nét trong hoạt động KH&CN |
Khâm phục các khó khăn của Viện đã vượt qua để đạt được các thành tích, đặc biệt có những sáng chế đăng ký tại Mỹ, bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) - chia sẻ, ngành lọc hóa dầu, cũng như ngành dầu khí ở Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Theo đó, những nghiên cứu trong thời gian tới của Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia công nghệ lọc, hóa dầu ngoài việc tập trung nâng cao các xúc tác cho nhà máy lọc hóa dầu vận hành, cần phải hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành dầu khí có quỹ KH&CN rất lớn và họ thường xuyên mời và đặt đầu bài cho các viện. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển nghiên cứu trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học…
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã làm tốt và có khả năng tự chủ, nhiều sản phẩm chất lượng cao được ứng dụng và thương mại hóa thành công, có thương hiệu, có bản quyền. “Các sản phẩm nghiên cứu KH&CN cần phải đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thị trường, có khả năng thương mại hóa và được thị trường đón nhận. Điều này không phải viện nghiên cứu nào cũng làm được” - Thứ trưởng nhìn nhận.
Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới, Viện phải đặt mục tiêu đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hoạt động KH&CN, triển khai sản xuất một số sản phẩm chủ lực, trọng tâm. Bên cạnh đó, cần làm tốt vấn đề sở hữu trí tuệ, mở rộng hợp tác quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, đặc biệt, chú trọng hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ cũng như truyền thông về sản phẩm KH&CN để các sản phẩm đó có địa chỉ ứng dụng, giúp tăng doanh thu cho Viện.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Viện cần gắn kết chặt chẽ hoạt động của đơn vị với hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hơn nữa trong định hướng phát triển, đề xuất và triển khai những chương trình cụ thể phục vụ trực tiếp cho KH&CN ngành hóa chất. Ngược lại, tập đoàn cũng cần có những hỗ trợ, đưa ra các “đề bài” cho Viện nếu cần thiết. Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ đứng ra “đặt hàng” các doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu thực hiện các đề tài, nhiệm vụ KH&CN, kết nối thúc đẩy hỗ trợ đổi mới sáng tạo, xây dựng, phát triển ngành hóa chất bền vững.
Trong giai đoạn 2015 - 2019, từ kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã công bố được 115 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, trong đó có 86 bài trong nước và 19 bài quốc tế; đã công bố 5 bằng độc quyền sáng chế và 20 bằng độc quyền giải pháp hữu ích… |