Đoàn công tác của VPI thăm phòng thí nghiệm hiện đại của Cục Địa chất Đan Mạch và Greenland
CôngThương - Kết quả nghiên cứu của VPI đã được các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng làm luận cứ khoa học, định hướng phát triển, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp dầu khí và các ngành công nghiệp liên quan.
Mạnh dạn tạo bước đột phá
Thành lập ngày 22/5/1978, VPI đã song hành cùng đất nước và ngành dầu khí Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, tích cực nghiên cứu, đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, xứng đáng với vai trò tổ chức KHCN hàng đầu của công nghiệp dầu khí Việt Nam.
Năm 2008, trước những đòi hỏi của thực tế, đặc biệt là nhu cầu phải có sự đột phá trong công tác quản lý KHCN nhằm giải phóng sức sáng tạo và định hướng tới một tương lai khi hình thành thị trường KHCN thực thụ, VPI đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP, với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập.
TS Phan Ngọc Trung - Viện trưởng VPI - nhớ lại: Lúc bấy giờ, mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học (NCKH) theo Nghị định 115 là rất mới chưa có tiền lệ ở Việt Nam, tạo ra áp lực nhất định về doanh thu, việc làm, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu có tính chiến lược lâu dài... Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước không phân biệt các tổ chức KHCN hoạt động theo Nghị định 115 và các tổ chức KHCN chưa chuyển đổi theo Nghị định 115 trong việc tham gia đấu thầu các đề tài NCKH của nhà nước, tạo ra bất bình đẳng giữa các tổ chức KHCN đã chuyển đổi và chưa chuyển đổi.
TS Phan Ngọc Trung: “Với tiêu chí lấy con người làm trung tâm, trên cơ sở bảo đảm ba giá trị cốt lõi “Đạo đức - Chuyên nghiệp - Trí tuệ”, VPI sẽ tập trung nghiên cứu và phát triển KHCN để tạo ra “thương hiệu VPI” mạnh; tập hợp và đào tạo được đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, tối ưu hóa các nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thành Học viện Dầu khí chuyên sâu, kết hợp nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo”. |
.Đối mặt với những thách thức trên, Ban lãnh đạo VPI đã mạnh dạn thay đổi tư duy, xây dựng và triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt. Xác định nhiệm vụ, kết quả ứng dụng KHCN là yếu tố đảm bảo phát triển bền vững, nên ngoài việc triển khai các đề tài/nhiệm vụ theo đặt hàng trực tiếp, VPI chủ động đề xuất các hướng nghiên cứu mới, phù hợp với xu hướng phát triển KHCN trên thế giới cũng như tìm tòi hướng giải quyết các vấn đề công nghệ đang vướng mắc. Đồng thời, VPI đã chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, chú trọng đến tính hiệu quả, đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị khoa học trong và ngoài nước. Cách làm này đã tạo sự chuyển biến về chất trong cơ cấu lực lượng lao động, góp phần không nhỏ vào việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, huy động nguồn tri thức, chất xám phục vụ cho sự phát triển của KHCN Dầu khí Việt Nam...
Thành công từ mô hình mới
Trong giai đoạn 2008 - 2012, VPI đã triển khai 328 đề tài, nhiệm vụ NCKH các cấp và 190 hợp đồng dịch vụ KHCN đảm bảo chất lượng, tiến độ, với tổng doanh thu đạt 1.574 tỷ đồng; đóng góp thiết thực cho KHCN Dầu khí. Cụ thể, trong lĩnh vực nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, VPI đã xử lý và minh giải hàng trăm nghìn km tuyến địa chấn 2D, hàng chục nghìn km2 địa chấn 3D, xây dựng các loại bản đồ, xác định hàng trăm cấu tạo triển vọng, định hướng cho công tác khoan của các nhà thầu góp phần phát hiện các mỏ dầu khí. Trong quá trình thẩm định khai thác mỏ, VPI triển khai hợp đồng nghiên cứu thường xuyên nhằm chính xác hóa trữ lượng dầu khí, xác định vị trí các giếng khoan mới, tối ưu hóa hiệu quả thăm dò cũng như khai thác làm lợi hàng trăm triệu USD; góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong 2 ngày (22 và 23/5/2013), tại Hà Nội, VPI tổ chức kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập và Hội nghị Khoa học - Công nghệ với chủ đề “Trí tuệ Dầu khí Việt Nam - Hội nhập và Phát triển bền vững”. Hội nghị thảo luận và trình bày nhiều công trình khoa học công phu, tập hợp được tri thức, trí tuệ khoa học công nghệ dầu khí để giải quyết các vấn đề khoa học mà thực tiễn đang đặt ra đối với sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam… |
Tiêu biểu một số đề tài như: “Dầu khí và tài nguyên khoáng sản”; “Địa chất, địa động lực và tiềm năng khoáng sản vùng biển Việt Nam”; “Phát triển năng lượng bền vững đến năm 2020”; “Nghiên cứu cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí các khu vực Trường Sa và Tư Chính - Vũng Mây”, Dự án “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” (thuộc Đề án 47)... Từ kết quả nghiên cứu, VPI đã sản xuất - kinh doanh có hiệu quả các sản phẩm hóa chất từ dịch vụ công nghệ trong các lĩnh vực khai thác, chế biến, phân phối và kinh doanh dầu khí như: phức hợp hóa - vi sinh làm tăng hệ số thu hồi dầu, tổ hợp enzyme sinh hóa chống sa lắng paraffin, chất tẩy rửa sàn các công trình công nghiệp dầu khí…
VPI đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về tính chất của tất cả các loại dầu thô, condensate và khí thiên nhiên/khí đồng hành khai thác tại Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực hóa - chế biến dầu khí đã phục vụ có hiệu quả công tác tư vấn lập các định hướng phát triển dài hạn (chiến lược) và trung hạn (quy hoạch); lập và thẩm định các dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến dầu khí, tư vấn nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy chế biến dầu khí (lựa chọn nguyên liệu, đánh giá lựa chọn xúc tác, phụ gia và hóa phẩm, tiết kiệm năng lượng, xác định cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường). Bằng việc phân tích hàng chục nghìn mẫu (đá, dầu, khí, nước…), VPI đã tiết kiệm cho nhà nước hàng triệu USD/năm chi phí gửi và phân tích mẫu ở nước ngoài.
Đặc biệt, nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý mô hình tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực dầu khí, VPI đã xây dựng định hướng chiến lược; đề xuất những giải pháp có trọng điểm trong từng lĩnh vực: thăm dò, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ kỹ thuật dầu khí - những lĩnh vực gắn liền với chuỗi giá trị dầu khí, là cơ sở cho sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như ngành công nghiệp dầu khí của đất nước.
Trong giai đoạn phát triển mới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiên định quan điểm: KHCN là nền tảng, động lực để phát triển nhanh và bền vững ngành Dầu khí Việt Nam theo chiều sâu. Theo TS Phan Ngọc Trung, đây thực sự là thách thức nhưng cũng là một cơ hội lớn để những người làm công tác KHCN dầu khí nói chung và VPI nói riêng thể hiện vai trò trung tâm trong việc thực hiện giải pháp này.