Chú trọng vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Đặng Văn Sơn - Viện trưởng Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo cho biết, Viện được thành lập vào ngày 5/2/1969 – theo quyết định số 24/CP của Hội đồng Chính phủ. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Viện đã trở thành đơn vị có kinh nghiệm và năng lực, đồng thời sở hữu đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, các kỹ thuật viên có trình độ tay nghề vững vàng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Điểm lại từng giai đoạn, ông Đặng Văn Sơn bày tỏ, giai đoạn 1969-1975, Viện đã thực hiện được 12 đề tài nghiên cứu điều tra cơ bản cho 17 loại nguyên liệu thực vật khác nhau, đặc biệt là công trình điều tra cơ bản nguyên liệu vùng Trung tâm Bắc Bộ để làm luận cứ xây dựng Nhà máy Giấy Bãi Bằng...
Giai đoạn 1975 -1990, Viện đã thực hiện 48 đề tài nghiên cứu, trong đó có 20 đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất xenluylo, 10 đề tài nâng cao chất lượng các mặt hàng giấy, 12 đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo phụ tùng máy giấy và hệ thống nấu bột giấy. Nổi bật nhất là đề tài giấy in số 1 được ứng dụng tại Nhà máy giấy Việt Trì, Giấy Đồng Nai sản xuất giấy dùng cho in thẻ đảng viên của cả nước; giấy lọc độc phục vụ quốc phòng; giấy lọc dầu ôtô; giấy in séc ngân hàng; giấy cốt sơn mài; cốt mũ bộ đội; máy cắt mảnh gỗ CG3; dây chuyền máy xeo giấy 2 lô sấy 150 tấn/năm...
Trong giai đoạn từ năm 1991 đến nay, Viện đã chủ trì thực hiện 135 đề tài và dự án sản xuất thử nghiệm các cấp. Tiêu biểu là đề tài nghiên cứu sản xuất catong da, đề tài nghiên cứu sản xuất nhựa thông parafin, nhựa thông cường tính sử dụng cho giấy bao bì, giấy chống ẩm cho quốc phòng, công nghệ tẩy trắng ECF, tách loại lignin bằng Oxy - kiềm đã trở thành công nghệ chuẩn mực trong nghiên cứu và ứng dụng cho Nhà máy giấy Bãi Bằng; công nghệ gia keo trong môi trường kiềm tính đã được ứng dụng tại hầu hết các nhà máy sản xuất giấy; công nghệ sản xuất giấy cách điện, giấy chống gỉ, công nghệ sản xuất giấy in bảo mật, giấy in độ trắng thấp, bìa màu chất lượng cao đã được ứng dụng tại xưởng thực nghiệm của Viện và trở thành sản phẩm chủ lực của đơn vị. Trong 50 năm qua, Viện đã tham gia xây dựng hơn 87 tiêu chuẩn, quy chuẩn về phương pháp thử và chất lượng sản phẩm giấy, bột giấy.
Đáng chú ý, Viện là một trong số ít các đơn vị của cả nước có Trung tâm Phân tích và Kiểm định được Bộ Khoa học Công nghệ công nhận phù hợp với các tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 và ISO/IEC 17020:2012.
Ngày 12/1/2017, Bộ Công Thương đã ra quyết định số 88/QĐ/BCT về việc chuyển Viện công nghiệp Giấy và Xenluylô thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam về trực thuộc Bộ Công Thương và hoạt động theo mô hình tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Viện là một trong những đơn vị sự nghiệp đầu tiên của cả nước tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.
“Với vai trò là đơn vị hàng đầu và duy nhất của cả nước nghiên cứu về giấy và xenluylo, trong những năm qua, Viện luôn quan tâm chú trọng vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Đồng thời, Viện còn có nhiều hoạt động hợp tác, nghiên cứu và đào tạo trong nước về lĩnh vực giấy, công nghệ sản xuất giấy, bột giấy. Phối hợp với các cơ quan đơn vị thuộc bộ, các cơ quan đơn vị trong ngành giấy triển khai và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, công tác của bộ ngành” - ông Đặng Văn Sơn khẳng định.
Ông Đặng Văn Sơn - Viện trưởng Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo báo cáo thành tích 50 năm. |
Tập trung vào các sản phẩm giấy có giá trị kinh tế cao
Trước những thành tựu của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá, trải qua 50 năm xây dựng, hoạt động và phát triển, Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo đã và đang là đơn vị đầu ngành của Việt Nam về nghiên cứu khoa học, các dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ phân tích kiểm định các sản phẩm giấy và bột giấy. Mặc dù còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã cũ, số lượng đầu tư mới còn ít, song bằng nội lực cùng với sự quan tâm của Bộ Công Thương, Tổng Công ty Giấy Việt Nam và sự giúp đỡ của địa phương và của các doanh nghiệp trong ngành, Viện đã từng bước ổn định. Về cơ bản, Viện đã tự chủ được 100% về tài chính.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong các năm tiếp theo và tiếp nối truyền thống tự hào của Viện trong 50 năm qua, Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo cần tập trung vào các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồ dưỡng nhân lực cho khoa học công nghệ, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao để có thể tiếp nhận, làm chủ các công nghệ mới phục vụ sản xuất. Cần có chính sách đãi ngộ cán bộ trong lĩnh vực khoa học công nghệ để giữ, thu hút nhân lực trẻ, tài năng.
ngành công nghiệp giấy của Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc cà về sản lượng và chất lượng |
“Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu thực tiến của sản xuất để phục vụ phát triển ngành. Kế hoạch khoa học công nghệ cần có định hướng, mục tiêu và lộ trình cụ thể, cần có cầu nối giữ cơ quan nghiên cứu và các đơn vị sản xuất trong ngành. Thúc đẩy sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nay để giải quyết tốt hơn các yêu cầu đặt ra của sản xuất hiện nay”- Thứ trưởng nêu rõ.
Thứ trưởng cho rằng, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo cần chủ động chú trọng vào các sản phẩm giấy có giá trị kinh tế cao, các sản phẩm giấy kỹ thuật mà trong nước phải nhập khẩu, phát triển thương hiệu riêng của Viện để từ đó nâng cao thu nhập đời sống của người cán bộ, viên chức, người lao động để gắn bó lâu dài với Viện. Với những đóng góp thiết thực về khoa học công nghệ của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo, ngành giấy Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.