Nhiều nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng
Báo cáo tại buổi làm việc với Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) mới đây, Tiến sĩ Cao Văn Sơn, Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô cho biết, giai đoạn 2018 - 2022, Viện đã nghiên cứu được một loạt các công nghệ mới, sản phẩm mới có khả năng ứng dụng cao, đem lại hiệu quả thiết thực cho Viện cũng như cho các doanh nghiệp trong ngành.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại buổi làm việc với Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô |
Tiêu biểu, đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất giấy in, giấy vẽ khối lượng riêng thấp. Công nghệ đã được áp dụng triển khai sản xuất thương mại trên dây chuyền sản xuất tại Xưởng thực nghiệm của Viện với sản lượng trên 300 tấn/năm. Ngoài ra, công nghệ đã được chuyển giao cho 2 doanh nghiệp: Công ty CP Giấy Vạn Điểm, Công ty CP Giấy Việt Thắng…
Sản phẩm giấy in, giấy vẽ khối lượng riêng thấp được cung cấp với khối lượng hàng ngàn tấn/tháng, thay thế hàng nhập khẩu (từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) cho các đơn vị gia công lớn như: Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty CP Văn phòng phẩm Hải Phòng sản xuất tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, cải tạo dây chuyền thiết bị để sản xuất giấy bao gói thực phẩm dạng khô công suất 3 tấn/ngày trên cơ sở dây chuyền sản xuất thực nghiệm của Viện. Sản phẩm giấy bao gói thực phẩm khô được sản xuất lần đầu tiên tại Việt Nam, chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonecia, Ấn độ, Hàn Quốc nhưng giá thành chỉ bằng 2/3 giá sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Sản phẩm giấy bao gói thực phẩm khô được sử dụng nhiều trong bao gói các thực phẩm có dính dầu mỡ có nguồn gốc thực vật và động vật.
Viện cũng đã nghiên cứu và làm chủ được công nghệ giấy in nhiệt, chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Chuyển giao công nghệ cho một nhà máy tại Nam Định.
Ngoài ra, đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ chế tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue. Việc ứng dụng chế phẩm đã làm giảm khoảng 30% năng lượng trong giai đoạn nghiền. Chế phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ. Hiện tại Viện đang tiếp tục nghiên cứu để tiến hành sản xuất thương mại chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt.
Theo Tiến sĩ Cao Văn Sơn, bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, dự án sản xuất, Viện cũng đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, nâng cao năng lực thử nghiệm và giám định các sản phẩm về giấy, bột giấy, nguyên liệu sản xuất giấy và các sản phẩm liên quan của Viện.
Từ 2018 - 2020, Viện đã xây dựng được 1 phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 (mã số VILAS 1051) về lĩnh vực giấy, bột giấy và các sản phẩm có liên quan; 1 phòng giám định đạt chuẩn ISO/IEC 17020:2012 (mã số VIAS 073) về lĩnh vực giấy, bột giấy, giấy loại và nguyên liệu gỗ, dăm mảnh gỗ, vật tư hoá chất ngành giấy… Đồng thời, đã được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm, giám định đối với sản phẩm giấy, bột giấy và các sản phẩm liên quan.
Phấn đấu trở thành viện nghiên cứu đầu ngành
Tiến sĩ Cao Văn Sơn cho rằng, trong giai đoạn 2025 -2030, ngành giấy Việt Nam sẽ vẫn có mức tăng trưởng cao, chủ yếu là các sản phẩm bột giấy tẩy trắng, giấy bao bì, giấy tissue, giấy kỹ thuật... Với sản phẩm giấy bao bì, giấy tissue trong những năm tới sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Đoàn công tác của của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) thăm và làm việc với Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô |
Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giấy trong nước tăng cao là do nhu cầu về bao bì của các ngành nông nghiệp, thuỷ sản, may mặc, giầy da… ngày một nhiều. Mặt khác, việc hạn chế rác thải nhựa, túi nilon, nhựa dùng một lần cũng thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm giấy để thay thế.
Do vậy, định hướng các hoạt động khoa học và công nghệ của Viện trong giai đoạn tới sẽ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Hoàn thiện và từng bước chuyển giao công nghệ sản xuất, sản xuất và thương mại hoá các sản phẩm giấy đặc biệt đã nghiên cứu được. Tiếp tục tìm kiếm công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất các dòng sản phẩm giấy đặc biệt khác phục vụ cho ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, y tế, an ninh quốc phòng.
Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất bột giấy, sản xuất giấy nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, hướng đến các công nghệ sản xuất xanh, sạch, sản xuất tuần hoàn. Trong đó, tập trung chú trọng phát triển một số chế phẩm nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết của ngành giấy (đặc biệt là sản xuất giấy bao bì công nghiệp).
Tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới cho sản xuất giấy, đặc biệt là nguồn nguyên liệu phi gỗ, phế phụ phẩm ngành nông nghiệp. Nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật về công nghệ thu hồi, tận thu và tái sử dụng các sản phẩm phụ, các chất thải của quá trình sản xuất bột giấy và giấy để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; các giải pháp công nghệ giảm thải tại nguồn, giảm khối lượng chất thải phải xử lý.
Mặt khác, nghiên cứu công nghệ mới, tiên tiến sản xuất vật liệu từ cellulose có những tính năng ưu việt. Trong đó, tập trung phát triển và ứng dụng vật liệu nanocellulose, các dẫn xuất từ cellulose ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học hiện đại, phục vụ đời sống con người như thực phẩm, y tế, vật liệu…; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học trong xử lý nước thải ngành giấy, đặc biệt nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm vi sinh để xử lý nhằm giảm tải lượng hóa chất sử dụng.
Ghi nhận những kết quả Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đạt được trong thời gian qua, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) mong muốn Viện sẽ cố gắng phấn đấu xây dựng là một viện nghiên cứu đầu ngành trong một số lĩnh vực của ngành giấy như lĩnh vực môi trường trong ngành giấy; giám định, kiểm nghiệm; quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành giấy… Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ trong việc rà soát, xây dựng hệ thống quy chuẩn cho ngành giấy; tập trung nguồn lực thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) chia sẻ thêm, với truyền thông 54 năm xây dựng và phát triển, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã trải qua nhiều bước thăng trầm, mô hình hoạt động cũng như những khó khăn, thuận lợi nhưng phải khẳng định các thế hệ lãnh đạo, cán bộ nhân viên ở Viện đã hết sức nỗ lực, cố gắng trong việc tổ chức hoạt động của Viện trong suốt nhiều năm qua.
Theo ông Nguyễn Việt Tấn, giấy là một sản phẩm thiết yếu trong đời sống xã hội và ngành sản xuất giấy giữ vai trò trọng yếu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, đồng hành phụ trợ cho nhiều ngành sản xuất. Do đó, nếu Viện khai thác tốt vị thế này, sẽ có được các điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ… từ đó, góp phần phát triển ngành giấy nói chung và mang lại nguồn thu cho Viện nói riêng.
“Từ việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Viện cho thấy, gần như 100% các nhiệm vụ nghiên cứu đều đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả và gắn kết với hoạt động sản xuất, doanh nghiệp. Đây là một thế mạnh của Viện” - ông Tấn nhấn mạnh.
Trong giai đoạn sắp tới, ông Tấn đề nghị, Viện nên hướng tới việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực giấy. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”. Gần đây, có Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới… Đây chính là các cơ hội để Viện có thể đề xuất thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực này.
Trong giai đoạn 2023-2025, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô sẽ hoàn thiện công nghệ và thương mại hóa, cung cấp cho thị trường trong nước các sản phẩm giấy đặc chủng; ứng dụng công nghệ sinh học và áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, tối đa hóa chi phí sản xuất; công nghệ mới trong xử lý nước thải ngành giấy. |