Nhiều tín hiệu tích cực để thị trường chứng khoán bứt tốc Nâng hạng để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận với thế giới |
Trong phiên giao dịch ngày 8/3, thị trường chứng khoán đã chứng kiến phiên bán mạnh, đẩy cổ phiếu giảm đồng loạt, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Chốt phiên, chỉ số VN-Index giảm hơn 21 điểm, tương đương hơn 1,6%, xuống 1.247 điểm. Số mã cổ phiếu giảm giá gấp gần 5 lần số mã tăng.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch hôm nay, một số mã cổ phiếu lớn có áp lực bán mạnh ngay đầu phiên có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Áp lực bán mạnh bắt đầu từ nhóm ngân hàng, chứng khoán, sau đó lan sang các nhóm ngành khác.
Lý giải về việc thị trường chứng khoán giảm mạnh trong phiên hôm nay, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân có thể đến từ tin đồn về khả năng giải tỏa áp lực tỷ giá bằng tín phiếu. Hiện nay, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 80% giá trị giao dịch toàn thị trường, khi xuất hiện tin đồn, tâm lý nhà đầu tư dễ bị tác động, có thể dẫn đến đà bán tháo.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, thị trường giảm điểm phiên ngày 8/3 chỉ là hiện tượng chốt lời bình thường. Trước đó thị trường đã có nhịp tăng điểm dài nhưng chưa rõ xu hướng. Do đó, khi chỉ số VN-Index lên đến vùng đỉnh cũ sẽ gặp kháng cự tâm lý, dẫn đến nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và thực hiện chốt lời trong ngắn hạn.
Thị trường chứng khoán giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/3 (ảnh minh họa) |
Theo lý giải của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), thị trường lao dốc với thanh khoản kỷ lục cho thấy có hiện tượng rút vốn đồng loạt vì giá cổ phiếu đã trải qua nhịp tăng rất dài.
Theo quan điểm của Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS), các nhà quan sát vẫn e ngại về việc nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2024. Trong đó, các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều sẽ giảm mức độ tăng trưởng so với năm 2023, điểm sáng đến từ khu vực châu Âu nhưng mức độ hồi phục còn hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cụ thể IMF dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 4,2% vào năm 2024.
Bên cạnh những lo ngại, thị trường chứng khoán đang có nhiều triển vọng tích cực. Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động sẽ thúc đẩy dòng tiền gửi tiết kiệm dịch chuyển sang kênh đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao hơn. Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn.
Hơn nữa, khi lãi suất thấp, các công ty chứng khoán có thể thúc đẩy cho vay ký quỹ (Margin). Điều này không chỉ giúp cải thiện thanh khoản mà số lượng tài khoản mở mới của các nhà đầu tư cũng tăng lên.
Nhìn dưới góc độ tích cực, phiên giảm điểm hôm nay chỉ mang tính chất điều chỉnh kỹ thuật, giúp cho thị trường tiếp tục tích lũy để đi lên.
Tín hiệu tích cực trong phiên giao dịch hôm nay là thanh khoản tăng mạnh chứng tỏ dòng tiền đã tham gia bắt đáy. Đáng chú ý, thanh khoản lớn xuất hiện nhiều tuần qua, chứng tỏ nhà đầu tư đang rất quan tâm và giải ngân dần vào thị trường