Hiện số lượng các công ty thang máy có tới hàng trăm, song số công ty có tên tuổi, hoạt động uy tín chuyên nghiệp chỉ trên dưới 10 công ty, trong đó DN nội vẻn vẹn chỉ vài đơn vị có thương hiệu như Công ty thang máy Thiên Nam, Công ty Thang máy Thái Bình. Do vậy, thị phần thang máy tại Việt Nam chủ yếu rơi vào tay các thương hiệu thang máy nổi tiếng của thế giới như Mitsubishi, Nippon (Nhật); Thyssenkrupp (Đức); Schindler (Thụy Sĩ),...
Thang máy Việt chủ yếu vẫn phục vụ các dự án nhỏ |
Một DN sản xuất thang máy Việt cho hay, so với thang máy nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, chi phí đầu tư ban đầu của thang máy nội địa trung bình rẻ hơn 30-35% và rẻ hơn 50% so với thang máy nhập khẩu từ các nước phát triển như châu Âu, Nhật Bản. Tuy nhiên, do tâm lý “sính ngoại” của không ít chủ đầu tư nên thang nội không thể chen chân vào các dự án trong nước.
Theo vị này, khi tham gia các gói thầu trong nước, DN thang máy nội thường bị “hắt hủi” bởi phần lớn các công trình đều tin tưởng vào dòng thang nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước vì các chủ đầu tư tin rằng, loại thang này sẽ đảm bảo về chất lượng và hệ thống an toàn hơn thang nội. Mặt khác, những sự cố thang máy xảy ra do thang máy không đạt yêu cầu an toàn vẫn được sử dụng càng nhiều khiến nhiều chủ đầu tư e ngại đặt niềm tin vào thương hiệu thang máy trong nước.
Ông Trần Thọ Huy - Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam chia sẻ, dù là nhà sản xuất thang máy lớn của Việt Nam, nhưng hơn 90% khách hàng của Thiên Nam là các nhà đầu tư tư nhân, từ căn hộ gia đình cho đến các dự án chung cư cao 18-30 tầng, còn đối với các công trình lớn, tầm cỡ có vốn từ ngân sách, công ty vẫn chưa “chen” chân vào được.
“Thang máy của Thiên Nam được Bộ Công Thương xếp vào danh sách thiết bị trong nước tự sản xuất được để thay thế hàng nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm của công ty đã đạt trên 50%. Nhưng từ đầu năm đến nay, trừ một số rất ít gói thầu chấp nhận thang máy sản xuất trong nước, còn lại đa phần đều yêu cầu thang máy phải được nhập khẩu từ các nước G7 hoặc ASEAN, hoặc phải có thương hiệu G7”, ông Huy cho biết.
Dẫn chứng cụ thể, ông Huy cho hay, trong một lần Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh mời thầu cung cấp thang máy công ty đã tham gia đấu thầu vì bệnh viện này yêu cầu loại thang máy dành cho 6 tầng - phù hợp với khả năng của Thiên Nam. Tuy nhiên, hồ sơ mời thầu lại yêu cầu thương hiệu thang máy nổi tiếng nhập khẩu từ các nước G7, trái với Chỉ thị 494 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Trước sự việc này, Thiên Nam đã gửi công văn phản ánh tới Văn phòng Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó Bộ đã có văn bản yêu cầu huỷ thầu vì không đúng tinh thần chỉ thị và bệnh viện phải gọi thầu lại.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ có tình trạng nhiều chủ đầu tư không tin tưởng vào chất lượng của thang máy nội là do hầu hết công ty thang máy trong nước mới chỉ sản xuất được một số thiết bị cơ bản của thang như cabin, hộp kỹ thuật... và rất ít DN sản xuất được thang máy đạt chất lượng. Đáng nói hơn, các DN này chỉ là các DN nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, thậm chí có những công ty chỉ có vài người, họ chủ yếu đặt làm tại các cơ sở gia công, thuê lắp đặt và cho vận hành một cách đơn giản, bỏ qua các khâu kiểm soát từ thiết kế đến thử nghiệm. Những điều này vô hình chung khiến các chủ đầu tư “e dè” thang nội, kéo theo nó là sự đánh đồng với các DN có quy trình sản xuất rõ ràng, chất lượng đảm bảo.