Quy hoạch phải đảm bảo lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Sáng 28/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông |
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai - đoàn Đắk Nông thống nhất cao với việc xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Về giải thích từ ngữ, dự thảo Luật định nghĩa đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai hoặc mở rộng để thành lập thành phố, thị xã, thị trấn mới theo định hướng quy hoạch.
Tuy nhiên, nếu xét về ngữ nghĩa để áp dụng chính sách, pháp luật sau này thì chưa đủ tính chất bao hàm và dễ gây hiểu lầm. Bởi đô thị mới không chỉ là đô thị dự kiến được hình thành mà trên thực tế, những khu đô thị đã được hình thành, hoàn chỉnh với thời gian ngắn thì theo cách thông thường, phổ biến, người dân vẫn gọi là đô thị mới, thành phố trẻ… Như vậy, cần có sự nghiên cứu sâu để xác định lại hoặc phân tích, lưu ý riêng về những cách hiểu này.
"Trong xu thế mở cửa, tiếp nhận và dung nạp ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang đứng trước thách thức lớn, dễ nhận thấy nhất là về mặt kiến trúc. Toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa làm nảy sinh một số tác động tiêu cực đến giá trị kiến trúc truyền thống" - đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Đại biểu dẫn chứng, cảnh quan nông thôn cũng dần mất biểu tượng đặc trưng văn hóa như cây đa, đình làng, nhà theo kiến trúc truyền thống… thay thế bằng nhà ống, nhà theo kiểu kiến trúc ngoại lai, kiến trúc lập khuôn.
Do đó, để đảm bảo quy hoạch phát triển bền vững, tại Điều 7 về nguyên tắc hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc về việc bảo vệ, kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng không gian văn hóa vùng miền. Tương tự, đề nghị rà soát lại khoản 6 Điều 2 về giải thích từ ngữ nhằm bổ sung yếu tố văn hóa đi liền với yếu tố kinh tế - xã hội.
Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa |
Đại biểu Lê Hữu Trí - đoàn Khánh Hòa cũng bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Dự thảo Luật đã thiết kế logic, rõ ràng 9 nhóm nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan.
Qua đó đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, trong đó, có một số nội dung mới nổi trội như quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn theo các loại và các cấp độ quy hoạch; phân định, phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Theo đại biểu, đây là sự đổi mới mạnh mẽ tư duy công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; đồng thời, tin tưởng những nội dung mới của dự thảo Luật sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy cho quá trình đầu tư xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý tại khu vực đô thị và nông thôn cũng như nâng cao chất lượng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
Đại biểu nhận định, dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn có thời hạn 20 - 25 năm là phù hợp với lộ trình triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng tại đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch là 10 năm.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần có các quy định yêu cầu rõ hơn về nội dung của các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch của tỉnh.
Đồng thời, cần quy định rõ đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khi phạm vi ranh giới dự kiến quy hoạch có sự chồng lấn, giao thoa giữa khu chức năng và đô thị, giữa khu chức năng và nông thôn, giữa đô thị và nông thôn.
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng |
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - đoàn Sóc Trăng cho biết, qua việc nghiên cứu dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu nhận thấy dự thảo đã tổng kết, tiếp thu, điều chỉnh và tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tế thời gian vừa qua của các địa phương trong công tác quy hoạch.
Để hoàn thiện dự thảo Luật này, đại biểu có một số ý kiến đóng góp như sau: Thứ nhất, tại Điều 41, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn tiêu chí, quy định tại điểm d khoản 1 về khu vực có ý nghĩa quan trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tại điểm c khoản 2 về khu vực có ý nghĩa quan trọng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh là những khu vực như thế nào? Tiêu chí phân loại ra sao?
Thứ hai, tại điểm a khoản 1 Điều 46 quy định việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được tiến hành trên cơ sở các điều kiện điều chỉnh quy hoạch quy định tại Điều 40 của Luật này, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề nghị, Ban soạn thảo chỉnh sửa thành “quy định trên cơ sở các điều kiện điều chỉnh quy hoạch quy định tại Điều 45” của Luật này.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị tại điểm b khoản 2 Điều 46, Ban soạn thảo cần làm rõ quy định khi điều chỉnh đồ án quy hoạch phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ điều kiện của Điều 45 hay căn cứ vào quy định, điều kiện nào để điều chỉnh cục bộ quy hoạch?
Thứ ba, liên quan đến vấn đề tổ chức quản lý quy hoạch được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48, để rút ngắn thời gian và thủ tục phê duyệt quy hoạch, đại biểu đoàn Sóc Trăng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định giao cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cũng là chủ thể ban hành quy định quản lý quy hoạch theo quyết định phê duyệt quy hoạch.