Khu du lịch Núi Cấm nằm trong khu tam giác Tịnh Biên, Nhà Bàng, Tri Tôn và nằm sát biên giới Việt Nam – Campuchia có độ cao khoảng 710m so với mực nước biển, được xem là ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn với nhiệt độ trung bình khoảng 25oC, độ ẩm lên tới 80%, thích hợp cho nhiều loài cây sinh trưởng.
Tượng phật Di Lặc tại Núi Cấm |
Hệ thống chùa phong phú tại Núi Cấm |
Không chỉ có khí hậu mát mẻ quanh năm, phong cảnh hữu tình, Núi Cấm còn có nhiều chùa, hang, điện, động, rừng cây che phủ với mật độ cao. Trong đó, tại đây có hồ Thủy Liêm, hồ Thanh Long.
Đặc biệt, đến đây du khách không khỏi giật mình khi nhìn thấy pho tượng phật Di Lặc khổng lồ nằm trên một quả đồi rộng trên 1.000m2, với chiều cao 33,6m, diện tích bệ 27 x 27m, khuôn viên tượng phật rộng 2,2 ha; tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông, cốt thép. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỷ xả và bụng to đặc trưng của tượng phật Di Lặc. Chân đế bệ tượng làm bằng đá gắn kính phản xạ cao cấp màu xanh ve mang ý nghĩa một khối kim cương.
Tượng phật Di Lặc tại Núi Cấm được công nhận kỷ lục Guinnees là “tượng phật cao nhất trên đỉnh núi ở châu Á” tạo nên sự khác biệt so với các khu du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hệ thống cáp treo trên Núi Cấm |
Hàng năm, gắn kết với Lễ hội văn hóa dân gian cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm trung bình đón trên 1,4 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, hành hương, nghỉ dưỡng.
Khí hậu khu Núi Cấm không khác gì Đà Lạt |
Nhờ những đặc trưng về tự nhiên, lịch sử và nhân văn mà Tịnh Biên được xác định là địa bàn trọng yếu về du lịch của tỉnh An Giang. Để thực hiện mục tiêu trên, hiện Khu du lịch Núi Cấm được chọn là trọng điểm du lịch để thực hiện chiến lược phát triển du lịch của Tịnh Biên cũng như An Giang; tăng cường đầu tư toàn diện nhằm tạo cú huých cho sự phát triển du lịch của huyện biên giới Tịnh Biên.
Phong cảnh hữu tình của Núi Cấm |
Theo đại diện ngành văn hóa, du lịch Tịnh Biên, để thúc đẩy du lịch khu vực Núi Cấm phát triển, địa phương đang có đề xuất tập trung sắp xếp bố trí lại các hộ dân sinh sống trên núi và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, hoàn thiện hệ thống giao thông.
Đặc biệt là có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch, trong đó tập trung vào những sản phẩm đặc trưng hiện có của địa phương nhằm tạo ra sức hút đối với khách du lịch. Tăng cường các hoạt động thông tin, quảng bá du lịch, nghiên cứu thị trường du lịch, tìm hiểu thị hiếu du khách; đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Nhiều du khách háo hức với vẻ đẹp đặc biệt của khu du lịch Núi Cấm |
Lượng khách du lịch đến với Núi Cấm ngày càng gia tăng |
Tịnh Biên kỳ vọng Núi Cấm sẽ tạo đột phá cho du lịch của địa phương thời gian tới |
Ngoài ra, với lợi thế tỉnh An Giang nằm ở trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, giữa hai địa phương có tiềm năng phát triển du lịch là Cần Thơ và Kiên Giang, huyện Tịnh Biên cũng kiến nghị An Giang cần gắn kết phát triển du lịch với các tỉnh lân cận và khu vực để thu hút du khách đến với Núi Cấm, cũng như Tịnh Biên nhiều hơn nữa.