Sử dụng thuốc lá điện tử: Cảnh báo từ học đường sau vụ học sinh nhập viện |
Thuốc lá điện tử khiến người dùng thêm nghiện nicotine
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng công bố một báo cáo cho thấy, thuốc lá điện tử không có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn khiến người dùng thêm nghiện nicotine.
Nhiều quốc gia cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử |
Tại Mỹ đã có ít nhất 42 trường hợp tử vong, gần 2.200 ca mắc các bệnh về phổi liên quan đến thuốc lá điện tử. Ngay lập tức, thuốc lá điện tử trở thành mục tiêu điều tra về tác hại của nó đối với người sử dụng.
Đáng chú ý, WHO từng công bố một báo cáo, thuốc lá điện tử không có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn khiến người dùng thêm nghiện nicotine.
Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết: Xu hướng quốc tế chưa rõ ràng về cơ chế quản lý sản phẩm. Hiện nay đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, có 7 quốc gia áp dụng quy định quản lý chặt chẽ như cấp phép dược phẩm, nhưng chưa có bất kỳ sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành trên thị trường. Do đó, về thực tế thì đây cũng tương đương như là chính sách cấm của 32 quốc gia trên. Đặc biệt là Úc, nicotine vẫn nằm trong danh mục “chất độc dược” và chỉ được sử dụng khi có giấy phép. Khu vực ASEAN có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Tại Hoa Kỳ, mỗi bang có chính sách riêng. Tính đến tháng 9/2020 đã có 5 bang cấm hoàn toàn và 4 bang hạn chế sử dụng các sản phẩm thuốc lá có hương vị (bao 4 gồm thuốc lá điện tử), chiếm 25% tổng dân số (81,4 triệu người). Trong năm 2021, có thêm 13 bang và thành phố khác đang tiếp tục rà soát đề xuất cấm tương tự.
Một điểm đáng lưu ý, ngay cả các quốc gia phát triển đang cho phép quản lý sản phẩm này chỉ khi đã đánh giá đầy đủ tác động. Các quốc gia này đã giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp hiệu quả, quản lý, hiện đang thực hiện tốt quy định về môi trường không khói thuốc lá và áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát chặt. Chính phủ các nước này có đủ nguồn lực để giám sát và truyền thông về việc ngăn ngừa sử dụng sản phẩm này ở giới trẻ (thông qua cấp giấy phép bán hàng và kiểm tra tuổi của người mua hàng) và các nhóm dễ tổn thương.
Việt Nam cần hành động tích cực hơn
Bà Trần Thị Trang cho biết thêm: Năm 2018, tại Phiên họp thứ tám của Hội nghị các bên tham gia WHO-FCTC đã thông qua Nghị quyết FCTC/COP8 về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã khuyến cáo các bên tham gia áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu của các sản phẩm thuốc lá mới; bảo vệ sức khoẻ của mọi người khỏi việc phơi nhiễm với khí thải; bảo vệ chính sách và hoạt động kiểm soát thuốc lá khỏi tất cả các lợi ích thương mại và các lợi ích khác liên quan đến sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm các lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá.
Việc quy định bao gồm cấm sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán và sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, theo tình hình của mỗi quốc gia là một trong những lựa chọn nhằm bảo đảm lợi ích sức khỏe cho con người.
Ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá nung nóng; bảo vệ mọi người khỏi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá nung nóng theo Điều 8 của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO (Công ước khung WHO FCTC); ngăn ngừa việc đưa ra kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này.
Tuy nhiên, hiện nay thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… Các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội được sử dụng phổ biến bởi giới trẻ như Facebook, Instagram, Tiktok… Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, các trang mạng xã hội như facebook, zalo cá nhân.
Bên cạnh đó, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Một số vấn đề pháp lý liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam, như: Khái niệm thuốc lá chưa được quy định, chưa báo quát phù hợp với đặc điểm cấu tạo của sản phẩm. Thuốc lá điện tử không sử dụng nguyên liệu từ lá thuốc lá, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá mà sử dụng hóa chất, tinh dầu tổng hợp không phải là thuốc lá… khiến công tác phòng chống tác hại của thuốc lá ngày càng khó khăn; đặc biệt đáng lo ngại khi tình trạng ngày càng xảy ra nhiều trong trường học. Nếu không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thế hệ trẻ.
Năm 2020, Văn phòng Tổ chức Y tế tại Việt Nam đã khuyến nghị: Chính phủ Việt Nam nên duy trì chính sách cấm hiện hành đối với tất cả sản phẩm thuốc lá và nicotine thế hệ mới, có bằng chứng rõ ràng rằng các sản phẩm này không an toàn; việc dỡ bỏ lệnh cấm hiện tại sẽ tạo cơ hội cho ngành công nghiệp thuốc lá thu hút người tiêu dùng mới, đặc biệt là thanh thiếu niên ở Việt Nam; cảnh báo nguy cơ có thể bị tổn thất sức khỏe cộng đồng khi cho phép các sản phẩm thế hệ mới này vào thị trường một cách hợp pháp vì khả năng được giới trẻ sử dụng như đã chứng minh ở các nước khác và khả năng sử dụng kép và Việt Nam cần thực thi mạnh mẽ việc ngăn chặn quảng cáo và kinh doanh bất hợp pháp sản phẩm này.
Nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì: Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Thuốc lá điện tử được kỳ vọng sẽ giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, nhưng hiện nay thuốc lá điện tử lại mang kết quả trái ngược và trở thành mục tiêu của các nhà lập pháp, vì vậy nhiều nước trên thế giới đã cấm thuốc lá điện tử với lý do bảo vệ sức khỏe người dân. |