Năng lượng tái tạo: Cần hoàn thiện chính sách để phát triển bền vững |
Trước nhu cầu của thị trường lao động tăng cao đối với một số ngành nghề đang được xem là “hot” như: thương mại điện tử, khoa học dữ liệu, năng lượng tái tạo, logistics… năm 2023 Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (HUFI) và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) dự kiến sẽ mở thêm 5 ngành đào tạo bậc đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Luật, Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; 02 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ là Ngôn ngữ Anh và Kế toán; 03 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là Kỹ thuật hóa học, Công nghệ sinh học và Kỹ thuật cơ khí.
Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh năm 2023 mở thêm 5 ngành học mới |
TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng HUFI cho biết: “Trong 5 ngành đào tạo trình độ đại học, đặc biệt có 4 ngành Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là những ngành đang được người học quan tâm và đang là những lĩnh vực kinh tế quan trọng trong định hướng phát triển của thế giới cũng như ở Việt Nam. 4 ngành này có sự kết hợp giữa công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thiết kế chương trình đào tạo, các chương trình này sẽ tạo ra sự chuyển biến trong việc thay đổi nội dung, cũng như phương thức dạy học thích ứng với thực tiễn phát triển các lĩnh vực về tài chính, thương mại và dữ liệu lớn”.
Năm 2021 và 2022, hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn đắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ khoảng 20%, đứng thứ 5 thế giới quy mô trên 16 tỷ USD.
Lĩnh vực thương mại điện tử đang mở ra rất nhiều triển vọng việc làm mới. Sự gia tăng bùng nổ của thương mại điện tử đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này. Thương mại điện tử đã trở thành một phần thiết yếu trong bộ kiến thức của sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành kinh doanh.
“Hiện việc thiếu nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang trở thành rào cản lớn đối với tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam và các nước khác. Trong khi chất lượng giáo dục thương mại điện tử do các trường cao đẳng, trung cấp đã không theo kịp với sự mở rộng số lượng các cơ sở cung cấp các khóa học”, TS Thái Doãn Thanh khẳng định.
Cũng theo TS Thái Doãn Thanh, những ngành mới mở hiện có nhu cầu đào tạo tăng cao cả về số lượng và chất lượng và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời cũng là ngành đào tạo cùng nhóm ngành mà nhà trường đang đào tạo. Đơn cử như thương mại điện tử thì cùng nhóm ngành Kinh doanh mà nhà trường đang đào tạo nên có thể sử dụng chung được nhiều điều kiện hiện có về cơ sở vật chất, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo của nhà trường cũng như phù hợp với chiến lược tái cấu trúc lại các bộ phận quản lý chuyên môn của các khoa hiện nay.
Trong khi đó, năm 2023 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng dự kiến mở 4 ngành/chương trình đào tạo mới gồm: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.
Nguồn nhân lực năng lượng tái tạo được đào tạo chính quy mới chỉ chiếm 1% nhu cầu của thị trường |
TS Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, hiện năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27% cơ cấu nguồn điện của Việt Nam, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII và Nghị quyết 55-NQ/TW thời gian tới năng lượng tái tạo tiếp tục tăng trưởng cao, do vậy nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực cho thị trường lao động cho lĩnh vực này. Trong khi, hiện nay việc đào tạo lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế”.
“Việt Nam có khoảng 460 trường đại học và cao đẳng nhưng những trường tham gia đào tạo nhân lực cho chuyên ngành năng lượng tái tạo chỉ chiếm 1%”, TS Thân Thanh Sơn chia sẻ.
Tương tự như vậy đối với ngành Kỹ thuật sản xuất thông minh, TS Thân Thanh Sơn khẳng định, việc mở thêm ngành mới này là nhằm đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ của thực tiễn sản xuất, do đó nhà trường cũng cần đổi mới các chương trình đào tạo hệ đại học nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế.
TS Thân Thanh Sơn dẫn chứng, để đánh giá nhu cầu về nguồn nhân lực chương trình đào tạo kỹ thuật sản xuất thông minh, chúng tôi đã triển khai khảo sát, lấy ý kiến của các đối tượng khác nhau, trong đó có 30 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; 60 cựu sinh viên và 140 học sinh THPT ở các tỉnh khác nhau.
Kết quả các doanh nghiệp hiện đang có nhu cầu cao về nhân lực làm việc có chuyên môn về kỹ thuật sản xuất thông minh với 90% các doanh nghiệp đều nhận định nguồn nhân lực về kỹ thuật sản xuất thông minh là rất cần thiết, 10% các doanh nghiệp cho rằng nhân lực kỹ thuật sản xuất thông minh là cần thiết. Trong khi đó, kết quả khảo sát cựu sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội thì 100% cũng đồng ý là nguồn nhân lực lĩnh vực này là cần thiết và rất cần thiết.
Có 90% doanh nghiệp được khảo sát đều cần nhân lực cho sản xuất thông minh |
Cũng theo TS Thân Thanh Sơn, đối với ngành Kỹ thuật sản xuất thông minh, các sinh viên tốt nghiệp chương trình này sẽ thực hiện được các công việc liên quan như: Thiết kế và tích hợp các thiết bị hiện trường, robot, các thiết bị đo, điều khiển thành hệ thống sản xuất tự động linh hoạt và thông minh (tích hợp hệ thống tự động); quản lý và vận hành quá trình sản xuất, quản lý vận hành hệ thống và quản lý thiết bị tự động trong các nhà máy; tư vấn thiết kế và giám sát các lắp đặt các hệ thống sản xuất thông minh; bảo trì các thiết bị, các hệ thống tự động và các robot trong nhà máy thông minh.
“Nói cách khác, chương trình đào tạo kỹ thuật sản xuất thông minh sẽ tập trung trang bị cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng hướng tới việc thiết kế, thực thi giải pháp công nghệ và quản lý vận hành quá trình sản xuất trong nhà máy”, TS Sơn cho biết thêm.