Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn Chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt |
Số liệu từ Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) cho biết, trong năm 2022 sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt 340 triệu lượt hành khách (tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021), trong đó, buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách, tăng 72% so với thực hiện cùng kỳ 2021.
ảnh minh họa |
Dù vậy, so với thời điểm trước dịch Covid-19, sản lượng khách sử dụng xe buýt chỉ bằng khoảng 60%. Sản lượng khách vận chuyển trong năm 2022 chỉ đạt được 18% lượng người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, trong khi thành phố đưa ra chỉ tiêu 21,5 - 23%.
Nguyên nhân khiến hành khách có xu hướng xa rời xe buýt để sử dụng phương tiện cá nhân được kể đến như chất lượng chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được đảm bảo; thời gian chuyến đi không đảm bảo, nhất là vào những khung giờ cao điểm; mức độ thân thiện, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ còn chưa đúng mực gây ra những thiện cảm không tốt.
Trong khi chất lượng dịch vụ còn yếu, hạ tầng cho xe buýt lại chưa được tối ưu hóa, nhiều điểm nhà chờ bị chiếm dụng làm hàng rong, bãi đỗ xe...
Ông Nguyễn Thủy - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - bày tỏ, sau dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp xe buýt ngoài khó khăn về nguồn lực tài chính còn phải đối mặt với khó khăn là thiếu lao động. Đến thời điểm hiện tại, Transerco đang thiếu khoảng 400 lao động trực tiếp như lái xe, nhân viên bán vé. Thêm vào đó, hạ tầng xe buýt hiện không đáp ứng được nhu cầu, như các điểm dừng đỗ, nhà chờ bị lấn chiếm hoặc bố trí bất hợp lý.
Còn theo ông Nguyễn Công Nhật - Tổng giám đốc Vinbus - cho rằng, ngoài những yếu tố như trên thì làm thế nào để sản lượng hành khách tăng tương xứng với quy mô mở rộng của xe buýt là điều quan trọng. Nếu như cứ mở rộng quy mô, độ phủ của mạng lưới xe buýt mà sản lượng hành khách không tăng tương xứng sẽ kéo giảm hiệu quả của trợ giá.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho xe buýt diễn ra vào chiều 27/2, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội – cho rằng, nếu doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến doanh thu, sản lượng khách và xác định đây là yếu tố sống còn thì bức tranh xe buýt không quá lo lắng.
Song đâu đó vẫn còn doanh nghiệp chỉ muốn tuyến của mình kéo dài còn có hành khách hay không, sản lượng cao hay thấp cũng không quan tâm lắm. Đây là sự bất cập trong phương pháp tiếp cận quản lý dẫn đến có doanh nghiệp ỷ lại chỉ muốn làm sao được điều chỉnh khối lượng, tăng trợ giá lên còn lại không quan tâm có hành khách hay không?
Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ có điều chỉnh về việc này, thậm chí dừng các tuyến không hiệu quả, không thể để tình trạng có tuyến trợ giá đến 95-96%. Đây là lãng phí, sử dụng ngân sách không hiệu quả.
Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã xây dựng xong bộ tiêu chí chất lượng phục vụ của xe buýt. Tới đây phải xây dựng được bộ tiêu chí hiệu quả tuyến (sản lượng, doanh thu, trợ giá), từ đó sẽ xem xét dừng hoạt động các tuyến không hiệu quả.