![]() ![]() |
- Thưa ông, năm 2025, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục hỗ trợ một số hiệp hội ngành hàng tổ chức các hội nghị quốc tế, hội chợ, triển lãm kết hợp với thu hút nhà nhập khẩu tới Việt Nam, vậy các hoạt động này có điểm gì mới và một vài ví dụ từ những ngành hàng cụ thể? Ông Vũ Bá Phú: Trong năm 2025, điểm mới dễ nhận thấy của công tác xúc tiến thương mại là ưu tiên hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại Việt Nam. Điều này thể hiện ở chỗ tăng cường hỗ trợ cho các hiệp hội ngành hàng và địa phương tổ chức sự kiện xúc tiến xuất khẩu. Hoạt động này không chỉ là hội chợ mà còn là những hội nghị xúc tiến thương mại, hội nghị quốc tế, tăng cường đón đoàn khách quốc tế thăm quan, mua hàng. Ví dụ, trong lĩnh vực da giày, từ đầu năm đến nay, đã có hàng trăm đoàn khách quốc tế từ khắp các nơi trên thế giới, như Mexico, Mỹ, Trung Quốc… có mong muốn tới tìm hiểu và hợp tác. Với ngành dệt may, bên cạnh 2 hội chợ thường niên tổ chức vào tháng 4, 10, từ năm 2024, Cục đã phối hợp với Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức hội chợ ngành công nghiệp dệt may tại Việt Nam. Hội chợ giới thiệu cả chuỗi cung ứng, từ: Thiết kế, giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tất cả những lĩnh vực liên quan. Thông qua hội chợ này các nhà nhập khẩu tìm được cơ hội mua hàng tốt hơn, hiểu sâu hơn về ngành. Không chỉ dệt may, da giày, đối với sản phẩm OCOP, từ năm ngoái chúng tôi đã tổ chức hội chợ OCOP xuất khẩu dành riêng cho sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất đi các thị trường trên thế giới… |
Những hoạt động này rất quan trọng bởi đã tạo sự lan tỏa lớn. Bên cạnh hoạt động đón các đoàn khách mua hàng ngày càng nhiều tới Việt Nam, hầu như ngày nào tôi cũng nhận được email từ các thương vụ, hiệp hội đối tác trên thế giới yêu cầu hỗ trợ tiếp đón và kết nối các đoàn B2B. Tóm lại, điểm mới có thể thấy rõ là xác định được vấn đề ưu tiên nguồn lực hơn nữa cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ. Cùng đó là liên kết các lĩnh vực liên quan trong nền kinh tế với nhau lại để hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ ngày càng chuyên nghiệp bài bản, cộng hưởng tính hiệu quả. |
- Không chỉ năm 2025, nhiều năm qua, Cục Xúc tiến thương mại là đầu mối chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại thị trường trong nước, ông nhìn nhận ra sao về hiệu quả đạt được của các hoạt động này? Ông Vũ Bá Phú: Hoạt động xúc tiến xuất khẩu tổ chức tại thị trường trong nước ngày càng một chuyên nghiệp, hiệu quả và khẳng định vai trò trong hỗ trợ xuất khẩu cho các ngành hàng. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới hình thành. Xúc tiến xuất khẩu tại chỗ quan trọng ở chỗ giúp tiết kiệm chi phí. Thông thường tham gia một sự kiện xúc tiến thương mại ở nước ngoài doanh nghiệp phải chi từ 10 nghìn đến mấy chục nghìn USD cho một hoặc hai người đi tham dự. Nhưng tham gia sự kiện xúc tiến xuất khẩu trong nước, doanh nghiệp không những mất ít chi phí mà còn được hỗ trợ một phần kinh phí thuê gian hàng, hoặc tổ chức các sự kiện kết nối. Hoạt động này còn một điểm lợi nữa là nhà mua hàng quốc tế hoặc những người có ảnh hưởng trong chuỗi giá trị sản phẩm quốc tế đến Việt Nam có cơ hội trải nghiệm, nắm bắt được nhiều hơn, thực tế hơn, sát thực hơn thông tin về năng lực, hình ảnh của doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực cụ thể. |
![]() |
- Từ kinh nghiệm bản thân, theo ông, đâu là điểm thuận và điểm chưa thuận trong công tác tổ chức các sự kiện xúc tiến xuất khẩu tại chỗ, nhất là việc kéo nhà nhập khẩu tới Việt Nam? Ông Vũ Bá Phú: Trước hết, về điểm thuận lợi, có thể khẳng định rằng hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ đã được Chính phủ, bộ ngành, địa phương rất quan tâm. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Chính phủ rất tạo điều kiện và khuyến khích tổ chức những sự kiện xúc tiến xuất khẩu lớn ở ngay trong nước. Mặt khác, xúc tiến thương mại luôn được lồng ghép trong những sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch. Ví dụ, cuối năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sang thăm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương làm đầu mối để tổ chức một cuộc trưng bày về nông sản, thực phẩm. Việc lồng ghép giữa hoạt động kinh tế, chính trị, thương mại và xúc tiến thương mại mang lại hiệu quả cộng hưởng rất lớn. Ở cấp địa phương, dần dần các địa phương đã lồng ghép những sự kiện mang tính văn hóa, du lịch kèm theo hội chợ quốc tế. Ví dụ, Đăk Lăk mới tổ chức lễ hội cà phê thường niên và kèm theo đó là tổ chức một hội chợ và hội nghị quốc tế về ngành cà phê. Mỗi địa phương căn cứ vào thế mạnh, hàng hóa chủ lực của mình đã tổ chức những hoạt động theo hướng chuyên nghiệp. Đối với hiệp hội, ngành hàng, hàng năm cũng đã có tổ chức những hội nghị quốc tế thu hút nhà mua hàng, những người có ảnh hưởng, các bên liên quan trong chuỗi giá trị sản phẩm đến Việt Nam. Thông qua sự kiện xúc tiến xuất khẩu tại chỗ còn có điểm lợi nữa là các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam được tham gia trải nghiệm và nhận ra những điểm thiếu, từ đó bỏ vốn vào hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm. |
Bên cạnh những điểm thuận lợi, vẫn tồn tại một số khó khăn khi ở đâu đó việc tổ chức còn mang tính hình thức. Điều này đã để lại những ấn tượng không mấy thiện cảm, thậm chí là tác dụng ngược đối với người mua hàng, nhà nhập khẩu khi hội chợ trưng bày hàng hóa nghèo nàn, chất lượng chưa cao. Cùng đó, số lượng đơn vị có khả năng tổ chức sự kiện mang tầm vóc quốc tế còn ít, năng lực hạn chế. Cơ sở hạ tầng cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ còn rất thiếu. Một điểm nữa, tính liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương là chưa cao. |
- Dù là xúc tiến xuất khẩu tại thị trường trong nước hay ngoài nước, sự chủ động của doanh nghiệp vẫn là yếu tố hàng đầu để giữ chân nhà nhập khẩu, ông nhìn nhận ra sao về ý kiến này. Ngoài ra, ông có đề nghị gì với doanh nghiệp để khi tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ đạt được hiệu quả cao nhất? Ông Vũ Bá Phú: Đối với thương mại, đầu tư, doanh nghiệp vẫn là chủ thể quan trọng nhất. Cụ thể, doanh nghiệp quyết định thành bại trong việc có ký được hợp đồng không. Doanh nghiệp không chủ động chuẩn bị sẽ không ai làm thay được. Vậy doanh nghiệp làm thế nào để tham gia hiệu quả các sự kiện xúc tiến thương mại nói chung, xúc tiến xuất khẩu nói riêng và có thể ký được hợp đồng? Theo tôi, doanh nghiệp cần phải chủ động chuẩn bị trước - trong - sau quá trình tham gia sự kiện. Trước - là khi tham dự sự kiện cần phải biết ở đó có những ai, có nhà mua hàng nào, đối thủ cạnh tranh là những ai; chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp nằm ở phân khúc nào trong chuỗi cung ứng hàng hóa đó để tự đánh giá và thuyết phục khách hàng, nhà nhập khẩu. Trong - sau khi chuẩn bị tốt để tham gia hội chợ, trên cơ sở chuẩn bị thông tin, sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp nỗ lực để mời chào đối tác, giới thiệu cho kỹ và thuyết phục. Quan trọng nhất, phải có được xác nhận đầu mối để liên hệ và theo dõi tiếp. Sau - sau khi đi tham dự sự kiện xúc tiến thương mại không có nghĩa là xong, doanh nghiệp đó phải theo đuổi đối tác như thế nào để đảm bảo chắc chắn đầu ra là hợp đồng. Để có thể thực hiện tốt những việc trên doanh nghiệp phải có nhân lực với năng lực, kỹ năng xúc tiến thương mại. Về vấn đề này, đồng hành cùng doanh nghiệp Bộ Công Thương đã và sẽ hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua các khóa tập huấn, đào tạo với chuyên gia nước ngoài, chuyên gia của Cục xúc tiến thương mại. Một vấn đề rất cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng hiệu quả trong tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu là Chính phủ có cơ chế để khuyến khích, phát triển được ngành tư vấn dịch vụ chuyên ngành cho xúc tiến thương mại. Ngành này hiện chưa có ở Việt Nam. Trân trọng cảm ơn ông! |
Việt Nga Đồ họa: Hồng Thịnh |