Giáo sư Trần Đình Long nói gì về điện mặt trời mái nhà, điện hạt nhân? Tập đoàn hàng đầu về năng lượng tái tạo mua lại hai dự án điện mặt trời tại Việt Nam |
Với bài viết “Vì sao không thống nhất các thủ tục cho điện mặt trời?”, qua trường hợp cụ thể tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, báo Tuổi trẻ nêu, thủ tục về môi trường đối với các dự án điện mặt trời áp mái nhà chưa có quy định chung và chuẩn để áp dụng cho cả nước. Ngay trong địa bàn một tỉnh thì một huyện áp dụng một kiểu. "Tại sao các ngành không có văn bản trả lời chung cho toàn bộ, hướng dẫn chung cho toàn bộ mà phải đi trả lời cho từng trường hợp thêm rắc rối?", một chủ đầu tư điện năng lượng mặt trời đặt câu hỏi.
Một lãnh đạo chính quyền tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng cho rằng nên có quy định cụ thể, thống nhất chung là bao nhiêu ký thì phải làm các thủ tục, chứ có mấy tấm pin lắp trên mái nhà cũng bắt làm đầy đủ các thủ tục về môi trường, kinh doanh, phòng cháy chữa cháy thì không ổn lắm. Ngoài vướng mắc về thủ tục môi trường, gần như tất cả các trường hợp đầu tư năng lượng mặt trời cũng vướng về thủ tục phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt là các hộ dân đầu tư điện mặt trời ngay trên mái nhà của mình thì không tìm thấy quy định về phòng cháy chữa cháy phải làm như thế nào.
Báo Đầu tư cũng có bài “Doanh nghiệp nản lòng với điện mặt trời mái nhà”. Bài viết phản ánh, mới đây, 28 nhà đầu tư điện mặt trời áp mái tại tỉnh Bình Dương đã phải gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Dương, Sở Công Thương Bình Dương và Công ty Điện lực tỉnh, khẩn khoản mong tháo gỡ khó khăn cho dự án điện mặt trời áp mái, do không được thanh toán tiền điện từ ngày 31/3/2022.
Theo trình bày của các nhà đầu tư, “Nếu EVN ngừng thanh toán sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, vì doanh nghiệp khi xây dựng dự án đã có những khoản vay lớn. Nếu dừng thanh toán, dẫn đến doanh nghiệp sẽ chịu chi phí lãi vay tăng cao do lãi suất phạt quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn, khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng, gia tăng nợ quá hạn và nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, lãng phí nguồn lực lớn của xã hội đã đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời”, các doanh nghiệp lo lắng.
Ông Đào Du Dương, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP.HCM cũng cho rằng, doanh nghiệp tự đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà thì khả năng thu hồi vốn rất khó khăn, do chưa có cơ chế, quy định pháp lý cụ thể nên hiện EVN tạm thời không thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng này và chờ hướng dẫn từ Bộ Công Thương.Trong khi đó, giá nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị tăng cao, khiến việc tự đầu tư dự án gặp nhiều rủi ro. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất đến từ những bất cập về chính sách đang gây bất lợi cho doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà.
Cùng điện mặt trời, giá xăng dầu cũng là vấn đề được các trang báo phản ánh. Cùng đưa ra dự báo giá xăng dầu có thể “hạ nhiệt” trong ngày mai 1/7, báo Dân trí đăng tải bài viết “Giá xăng ngày mai sẽ giảm sau 7 lần tăng liên tiếp?”; VTC News có bài “Giá xăng được dự đoán sắp giảm 700 đồng/lít” và báo Sài gòn giải phóng có bài “Giá xăng dầu trong nước có thể giảm nhẹ vào ngày mai?”.
Theo đó, giá xăng dầu được dự báo giảm trong kỳ điều hành giá ngày 1/7, tuy không nhiều, có thể trong khoảng 500 – 700 đồng/lít. Ngoài ra, trong kỳ điều hành giá này, nhà điều hành có thể sẽ không thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn (BOG) với xăng nhằm làm dịu bớt sức nóng của mặt hàng chiến lược. Đồng thời, tín hiệu vui cũng đã xuất hiện, khi có nhiều đề nghị tiếp tục giảm thuế với xăng dầu được đưa ra và đang được cơ quan chức năng xem xét.
Song cũng có ý kiến cho rằng, ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý tăng trích lập hoặc giảm chi quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá mặt hàng này sẽ giảm ít hơn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi dư địa Quỹ BOG được cho là không còn nhiều, doanh nghiệp đầu mối lớn đang âm quỹ và 7 kỳ điều chỉnh tăng liên tục vừa qua Quỹ BOG đã liên tục chi (từ 100-1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.