Khánh Hòa: Gỡ vướng cho nhà ở xã hội bằng cách nào? Cận cảnh dự án bị rao bán với giá nghìn tỷ ở vịnh Nha Trang Cận cảnh tháo dỡ các tầng vi phạm của loạt biệt thự cao cấp ở Nha Trang |
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Tỉnh ủy Khánh Hòa báo cáo kết quả thực hiện giải quyết các vướng mắc của UBND huyện Cam Lâm liên quan đến việc khắc phục các sai phạm về phân lô, tách thửa, hiến đất làm đường giao thông tại huyện này.
Một góc huyện Cam Lâm. Ảnh: Bình Toàn |
Gần 55,2 ha đất bị phân lô
Theo báo cáo, qua kiểm tra, huyện Cam Lâm hiện có 114 khu vực bị phân lô, tách thửa, hiến đất làm đường giao thông. Tổng diện tích khu đất thực hiện phân lô là gần 55,2 ha, số thửa được tách ra sau khi làm đường là 2.385 thửa, diện tích đất ‘hiến tặng’ để làm đường giao thông hơn 97.474 m2.
Trong đó, thị trấn Cam Đức có 22 khu vực, xã Cam Thành Bắc có 38 khu vực, xã Cam Hải Tây có 35 khu vực, xã Suối Cát có 7 khu vực, xã Suối Tân có 10 khu vực, xã Cam Hiệp Nam và xã Cam Hải Đông mỗi xã có 1 khu vực.
Trường hợp ‘hiến đất’ để tự làm đường, tách thửa, chuyển nhượng, phù hợp quy hoạch giao thông đã được phê duyệt 7 trường hợp, trong đó chỉ có 6 trường hợp có văn bản chấp thuận đầu tư đường giao thông, đồng ý hiến đất làm đường của UBND huyện.
Trường hợp không có đường, không phù hợp với quy hoạch giao thông, sau đó ‘hiến đất’ để tự làm đường nhằm tách thửa, phân lô, nền trái với quy định có 107 trường hợp. Trong đó có 65 trường hợp có văn bản chấp thuận đầu tư đường giao thông, đồng ý hiến đất làm đường của UBND huyện Cam Lâm.
Theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa, đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đang ở bước trình Bộ Xây dựng thẩm định, vì vậy đến thời điểm hiện nay chưa đủ căn cứ pháp lý để đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đô thị đang triển khai thực hiện của 114 trường hợp trên.
Cho phép tồn tại các thửa đất
Báo cáo cho biết, sau khi huyện Cam Lâm đề xuất hướng xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh họp với các đơn vị chức năng và báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa về chủ trương cho phép tồn tại 2.385 thửa đất, thuộc 114 khu vực có liên quan đến sai phạm "hiến đất làm đường".
Hướng xử lý cụ thể, đối với 7 trường hợp ‘hiến đất làm đường’ phù hợp với đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, giữ nguyên mục đích sử dụng đất được thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD đất).
Người dân được thực hiện các quyền, nghĩa vụ đối với GCNQSD đất đã được cấp theo quy định của luật; được xin phép và cấp giấy phép xây dựng nhà ở (đối với trường hợp phải xin phép) và được phép xây dựng nhà ở (đối với trường hợp không phải xin phép) nếu người dân có nhu cầu.
Cho phép tồn tại các đường giao thông theo hiện trạng; giao UBND huyện Cam Lâm hủy các văn bản chấp thuận "hiến đất làm đường"; thực hiện trình tự thu hồi đất do tự nguyện trả lại đất theo quy định; giao Trung tâm Phát triển huyện hoặc chính quyền cấp xã thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai theo luật định.
Đối với 107 trường hợp ‘hiến đất làm đường’ nhưng không phù hợp với đường giao thông quy hoạch đã được phê duyệt, cho phép tồn tại các thửa đất nêu trên theo mục đích trên GCNQSD đất được cấp.
UBND huyện Cam Lâm hủy văn bản chấp thuận đầu tư đường giao thông; cùng với đó chỉ đạo các cơ quan, UBND các xã, thị trấn Cam Đức thực hiện việc quản lý đất đã được hiến theo quy định.
Không cho phép xây dựng cho đến khi phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng và đáp ứng các điều kiện về hạ tầng hoặc cho đến khi có văn bản cho phép của cấp có thẩm quyền.
Nhiều vướng mắc khi giải quyết hậu quả ‘hiến đất làm đường’
Thời gian qua, huyện Cam Lâm trở thành điểm nóng khi xuất hiện chiêu trò “hiến đất” làm đường giao thông để chuyển mục đích sử dụng sang đất ở rồi phân lô, bán nền, phát sinh nhiều hệ lụy, diễn biến phức tạp, vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Huyện Cam Lâm đã triển khai nhiều bước nhằm hạn chế tình trạng ‘phân lô, bán nền’, khắc phục các sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại địa bàn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vướng mắc.
Đối với khu đất của 2 hộ dân tại thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây, có 1 phần diện tích thuộc quy hoạch đất ở rộng 1.835 m2, phù hợp tất cả các loại quy hoạch sử dụng đất nhưng UBND huyện đã hủy 2 quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu đất này, trong đó có diện tích đất nêu trên.
Mục đích sử dụng đất đối với khu vực này trước đây là đất nuôi trồng thủy sản, được tách thành 74 thửa đất và chuyển nhượng qua nhiều lần. Nhưng hiện mục đích sử dụng đất được công nhận theo GCNQSD đất là đất ở tại nông thôn và tiếp giáp đường nhựa (đường hiến). "Việc giải quyết các vấn đề tiếp theo hiện nay chưa có văn bản chỉ đạo, trong khi theo Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43 ngày 15/4/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì việc hủy các GCNQSD đất này không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân", báo cáo chỉ rõ.
Đối với khu đất của bà Hà tại thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây, UBND huyện chưa thực hiện việc hủy quyết định chuyển mục đích sử dụng đất do phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, việc hủy văn bản chấp thuận làm đường giao thông khiến huyện Cam Lâm chưa biết thể hiện thông tin trên các GCNQSD đất đã cấp cho các hộ dân sẽ được thực hiện như thế nào.
Một số trường hợp khác có vấn đề phát sinh sau khi hủy văn bản chấp thuận đường giao thông cũng chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể tới thời điểm này.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, các hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa đầy đủ thành phần theo quy định. Luật Đất đai không có khái niệm hiến đất, chỉ có trường hợp Nhà nước thu hồi đất do người khác tự nguyện trả đất. Việc UBND huyện Cam Lâm chấp thuận phương án tách thửa với số lượng lớn, nhưng không xem xét đến quy định về kinh doanh bất động sản, không yêu cầu người sử dụng đất thực hiện việc lập doanh nghiệp khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các thửa đất được tách là không phù hợp với quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. Liên quan đến vụ việc trên, nhiều lãnh đạo, cán bộ huyện Cam Lâm cũng đã bị kỷ luật. |