Hà Giang: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 7,51% Hà Giang: Khẩn trương khắc phục mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân |
Cũng như các tỉnh miền núi khác, Hà Giang gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thật cụm công nghiệp, nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách. Trong khi, nguồn ngân sách của cả Trung ương và địa phương đều rất hạn hẹp.
Hệ lụy, hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp của tỉnh hầu hết được đầu tư chắp nối, thiếu đồng bộ, thậm chí chưa được đầu tư.
Đơn cử, cụm công nghiệp Nam Quang (thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang), tổng diện tích đã san ủi khoảng 14,12/34,732 ha chiếm 49% tổng diện tích. Tổng diện tích đất đã giao cho các doanh nghiệp là 12,97 ha. Phần diện tích còn lại khoảng 1,15 ha, trong đó 0,43 ha là diện tích quy hoạch khu xử lý nước thải của cụm công nghiệp. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ cả về hệ thống điện, đường, hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải chung trong cụm.
Tương tự, dự án cụm công nghiệp Tân Bắc cả 2 giai đoạn đều đang tiến hành san lấp mặt bằng.
Sản xuất tại cụm Công nghiệp Nam Quang, thị trấn Vĩnh Tuy, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Thanh Bình |
Các cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy định hiện hành, gồm: Cụm công nghiệp km 38 Tấn Xà Phìn và Cụm công nghiệp Tân Thành km 39, cụm công nghiệp Minh Sơn 2.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Hà Giang, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp nhận các dự án vào hoạt động sản xuất trong khi chưa có hạ tầng kỹ thuật công nghiệp hoàn thiện: Hệ thống cấp nước sinh hoạt, đường giao thông nội bộ, hệ thống xử lý môi trường chung... dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường tổng thể.
Quy mô, trình độ, điểm xuất phát của sản xuất công nghiệp tại Hà Giang ở vị trí thấp so với mặt bằng khu vực. Trình độ sản xuất, quản lý kinh tế, năng lực tay nghề lực lượng lao động công nghiệp còn thấp dẫn đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa không đa dạng. Làm cho sản phẩm kém khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Cụm công nghiệp có diện tích nhỏ, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn vốn chủ yếu đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài trong nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm, công tác tuyền tuyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người dân chưa sâu sát, nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế, chống đối, cản trở công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, do khó khăn chung về thị trường tiêu thụ, nền kinh tế trên thế giới, trong nước sụt giảm, không ổn định kéo dài đã ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, tác động tiêu cực đến hoạt động của một số dự án, doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Hà Giang chưa thu hút được nhiều dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp.
Địa phương cũng chưa thu hút được nhiều các dự án sử dụng nhiều lao động, như dệt may, da giày khiến mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Để tăng tính hấp dẫn, thu hút nhiều dự án thứ cấp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Hà Giang đề nghị ngân sách trung ương hỗ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với cụm công nghiệp Nam Quang, cụm công nghiệp Tân Bắc.
Bên cạnh đó, để đảm bảo theo quy định của nhà nước về lập dự toán và phê duyệt dự toán cụm công nghiệp theo quy định, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế về ngân sách trên địa bàn các tỉnh, Sở Công Thương Hà Giang cũng đề nghị, Chính phủ ban hành định mức quy hoạch chi tiết đối với cụm công nghiệp; Bộ Tài chính ban hành đơn giá cho thuê kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Giang có 16 cụm công nghiệp, nhiều cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy không cao. |