Vì sao doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ dịch Covid-19?
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, thời điểm này các DN xuất khẩu nói chung, dệt may nói riêng không có đơn hàng mới mà chỉ thực hiện các đơn hàng đã ký nên vốn vay mới hầu như không cần. Cái DN cần lúc này là giãn nợ cũ, giảm lãi với các khoản vay cũ cũng như hỗ trợ vay trả lương cho công nhân...
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói tín dụng hỗ trợ dịch Covid-19 |
Theo ông Hồng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tung gói hỗ trợ 250 tỷ đồng để gỡ khó cho DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được bởi các thủ tục rắc rối, DN phải làm báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, chưa kể DN phải chứng minh được thanh khoản của mình… Chính vì thế các đối tượng DN vừa và nhỏ hầu như không thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Nhiều cửa hàng ẩm thực tạm ngưng hoạt động để chống dịch |
Không chỉ với DN trong ngành dệt may, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ cũng đang chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19 song việc tiếp cận vốn lúc này cũng là điều rất khó khăn. Đại diện chuỗi bán lẻ Vua Nệm chia sẻ, khi tiếp cận gói tín dụng này, lúc đầu ngân hàng phản hồi là chưa có Thông tư hướng dẫn. Tới nay, dù có hướng dẫn nhưng phía ngân hàng lại phản hồi rằng ngành nghề bán lẻ của Vua Nệm không phù hợp, trong khi 20% doanh số của Vua Nệm bán cho khách sạn, nhà nghỉ và bán lẻ cũng bị buộc phải đóng cửa từ 26/3 tới nay.
“Một điểm bất cập khác mà chúng tôi đang đối mặt là nếu làm thư xin miễn giảm, chứng minh thuộc nhóm DN bị ảnh hưởng thì sẽ ảnh hưởng luôn đến việc vay vốn, tức là DN bị xếp vào diện không an toàn, và không được cấp tín dụng”, vị này cho biết thêm.
Cũng như các chuỗi bán lẻ, lĩnh vực F&B là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch này và đang mong chờ được tiếp cận gói tín dụng của ngân hàng. Theo đại diện của Red Wok, về cơ bản các ngân hàng sẽ phải đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp so theo tiêu chuẩn thông thường và do đó có thể không có khả năng cung cấp thêm tiền cho các công ty đang chịu thiệt hại về tài chính vì họ vẫn sẽ cần tài sản thế chấp hoặc dòng tiền mạnh để bổ sung hồ sung vay vốn.
Golden Gate - chuỗi F&B dẫn đầu thị trường và trụ khá vững trong thời gian dịch bệnh vừa qua nhưng cũng đang gặp khó trong tiếp cận gói tín dụng. Hiện không chỉ Golden Gate mà các DN bán lẻ khác cũng bị từ chối cho vay thêm, đặc biệt là sau ngày 26/03 khi hoàng loạt nhà hàng đóng cửa.
Theo đại diện Golden Gate, một số ngân hàng thương mại có hỗ trợ giãn nợ, muốn vay thêm phải có bất động sản đảm bảo, nhưng đối với ngành F&B, mặt bằng chủ yếu là thuê, không có nhiều bất động sản là tài sản đảm bảo… Chúng tôi hy vọng gói tín dụng hỗ trợ có thể dễ dàng tiếp cận hơn đối với các ngành, DN bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có F&B nói chung và Golden Gate nói riêng.
Theo các chuyên gia, ngành F&B cũng là một mắt xích của nền kinh tế khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Bởi phía sau ngành này là cả một chuỗi hệ sinh thái với các nhà cung cấp rau quả, thịt... Đó là chưa kể đến tất cả toàn bộ nhân công tại các nhà cung cấp và các nhà hàng thuộc chuỗi. Chính vì thế khả năng phục hồi của một DN nào đó trong ngành cũng ảnh hưởng đáng kể đến “hệ sinh thái” và các mắt xích liên quan của toàn ngành F&B.