Những mẫu xe điện VinFast nào sẽ được bán tại thị trường Indonesia? VinFast chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Ấn Độ 600 xe điện VinFast sẽ lăn bánh tại Indonesia |
Thận trọng trong điều chỉnh chiến lược
Chiến lược theo đuổi xe điện khác nhau của các hãng tạo nên bức tranh hỗn mang, đi kèm vô số ý kiến trái chiều. Năm 2023 nhiều bất ổn và xe điện một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý vì nhiều kế hoạch đầy tham vọng của các hãng buộc phải dừng lại.
Hôm 22/2, Mercedes Benz - một trong những nhà sản xuất ô tô hạng sang hàng đầu của Đức và châu Âu đã công bố báo cáo kinh doanh quý cuối năm 2023. Trong khi khẳng định những thành công về phát triển xe điện, lãnh đạo tập đoàn này đã phải thừa nhận, công cuộc chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện vẫn còn là bài toán dài hơi trước những thách thức lớn hiện nay.
Tính tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc là thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới |
Ông Ola Kaellenius, Giám đốc điều hành tập đoàn Mercedes-Benz cho biết: “Bất chấp những khó khăn về môi trường kinh doanh, chúng tôi đã tăng tới 73% doanh thu các dòng xe thuần điện trong năm ngoái với một loạt sản phẩm. Dù vậy, một sự chuyển đổi mang quy mô lớn như thế này sẽ không thể tránh khỏi những giai đoạn quanh co không bằng phẳng”.
Đồng thời, Mercedes cũng điều chỉnh chiến lược cho tới năm 2030, từ hướng tới xuất xưởng toàn bộ là xe điện, sang đạt mức 50% các dòng xe xuất xưởng là xe điện và lai xăng-điện, trong đó xe lai xăng-điện sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong thời gian tới.
Động thái của Mercedes là không hề mới với các hãng ô tô hiện nay. Hồi cuối năm ngoái, 2 nhà sản xuất lớn của Mỹ là GM và Ford đã phải giảm mục tiêu sản lượng xe thuần điện trong năm 2024, do dự báo nhu cầu chững lại.
CEO Tesla, tỷ phú Elon Musk cũng cảnh báo tình trạng đi xuống về tốc độ tăng trưởng doanh thu, tạo ra cú bán tháo thổi bay 80 tỷ USD vốn hóa của hãng xe điện này.
Theo các chuyên gia, cuộc cạnh tranh trên thị trường xe điện được xem sẽ tiếp tục diễn ra quyết liệt trong năm 2024 khi các nhà sản xuất Trung Quốc tìm cách mở rộng ra những thị trường mới.
Thị trường xe điện toàn cầu đã chứng kiến sự đổi ngôi khi mới đây công ty sản xuất xe điện Trung Quốc BYD đã vượt qua Tesla về doanh số bán xe trong quý IV/2023.
Theo đó, trong quý IV/2023, nhà sản xuất ô tô điện của Trung Quốc BYD đã bán được 526.409 xe, trong khi con số này của Tesla là 484.507 xe. Sự vượt trội của BYD đến từ sự kết hợp giữa 2 mảng xe thuần điện và xe lai xăng điện hybrid, qua đó cung cấp lựa chọn đa dạng hơn cho người dùng, trong khi Tesla chỉ sản xuất xe thuần điện.
Tính cả năm 2023, Tesla dù vẫn là hãng xe điện lớn nhất thế giới, với doanh số đạt 1,8 triệu chiếc nhưng bị BYD bám đuổi sát với 1,6 triệu chiếc. Bước sang năm 2024, cuộc cạnh tranh vị thế dẫn đầu ngành xe điện được dự báo sẽ vô cùng khốc liệt khi không chỉ còn là cuộc chiến “tay đôi” giữa BYD và Tesla.
Xe điện tới điểm giới hạn
Lãi suất cao và thị trường trầm lắng đang khiến khách hàng hạn chế mua xe, với lượng đơn đặt hàng xe điện giảm mạnh.
Hồi cuối tháng 10/2023, Ford quyết định giảm hoặc thậm chí đóng băng các khoản đầu tư vào thị trường ôtô điện. Kế hoạch sản xuất 600.000 xe điện cũng bị lùi đến cuối thay vì đầu 2024 như dự kiến.
Bất chấp tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thị trường ô tô điện toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ |
Không chỉ Ford, Volkswagen cũng nhận thấy nhu cầu thực tế thị trường không như kỳ vọng. Hãng xe này tạm ngừng sản xuất mẫu xe điện ID 4, hoãn ra mắt ID 7 và sa thải 260 nhân viên tại nhà máy Zwickau (Đức). Trong khi đó, Tesla giảm tốc độ đầu tư cho dự án nhà máy trị giá hàng chục tỷ USD ở Mexico. Honda và General Motors bỏ dở dự án phát triển xe SUV chạy điện giá rẻ.
Hồi đầu năm 2024, Renault đã từ bỏ kế hoạch niêm yết doanh nghiệp xe điện Ampere vì điều kiện thị trường chứng khoán trì trệ. Công ty cho biết, đợt IPO có thể trị giá lên tới 10 tỷ euro.
Trong khi, Tập đoàn Volkswagen đang đẩy lùi kế hoạch tìm kiếm các nhà đầu tư bên ngoài cho đơn vị pin PowerCo, khi triển vọng kinh doanh mờ nhạt trong bối cảnh thị trường xe điện đang hạ nhiệt.
Những khó khăn của thị trường xe điện có thể là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng đối với loại phương tiện này.
Viện Quan sát ôtô Cetelem của Pháp cho biết, khoảng 70% người dùng ở châu Âu còn e ngại hoặc không có khả năng chuyển đổi sang xe điện. Lý do chính là giá quá cao, tiếp theo là phạm vi hoạt động giới hạn, thời gian sạc lâu và hạn chế của mạng lưới trạm sạc.
Nhà phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley nhận định: “Động lực phát triển xe điện toàn cầu đang chững lại. Thị trường đang dư cung so với nhu cầu”.
Theo Hiệp hội ô tô Đức (VDA), tại Đức, doanh số bán xe điện giảm 16% trong năm ngoái và dự báo sẽ giảm thêm 9% vào năm 2024, bao gồm cả mức giảm 14% đối với xe điện chạy pin thuần túy. Đây là lần đầu tiên doanh số xe điện suy giảm ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu kể từ năm 2016.
Các đại lý ô tô ở Đức và Italia cũng như nghiên cứu của bốn công ty phân tích dữ liệu toàn cầu cho biết, nguyên nhân làm tiêu thụ xe chậm hơn là bất ổn về kinh tế khiến người tiêu dùng không tin rằng xe điện đáp ứng nhu cầu về an toàn, phạm vi hoạt động và giá cả.
Trong khi đó, AutoTrader cho rằng, xe điện mới ở Anh vẫn đắt hơn trung bình 33% so với các mẫu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hầu hết các mẫu xe mới đang nhắm đến người tiêu dùng bình dân sẽ không được tung ra thị trường trước năm 2025.
Tại Mỹ vấn đề lớn nhất ngăn cản người dân đến với xe điện vẫn là giá cả. Theo công ty tư vấn xe hơi Cox Automotive, giá trung bình một chiếc xe điện tại nước này là 52.000 USD, nhỉnh hơn một chút so với mức giá trung bình 48.000 USD của một chiếc xe xăng.
Tuy nhiên, khi cộng thêm chi phí vận hành, mức giá của xe điện tăng vọt. Mỗi chiếc xe điện sẽ tiêu tốn của chủ sở hữu 65.000 USD để vận hành trong vòng 5 năm, cao hơn chi phí vận hành xe truyền thống lên đến 9.000 USD. Mức chênh lệch đáng kể này xuất phát từ chi phí lắp đặt trạm sạc tại nhà, bảo hiểm, tình hình giá xăng rẻ ở Mỹ.