Tân Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức hứa gì khi nhậm chức? Bộ Y tế đề nghị xây dựng Luật Dân số Bộ Y tế đề xuất cho các cặp vợ chồng tự quyết định số con |
Để đáp ứng công tác dân số trong tình hình mới, trong dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng thay thế cho Pháp lệnh Dân số năm 2003, Bộ Y tế đề xuất quy định về việc các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con và số con. Đây là thay đổi căn bản rất lớn khi Pháp lệnh Dân số đang quy định "mỗi cặp vợ chồng, cá nhân sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Ảnh: Thuỳ Giang) |
Theo ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), một trong những thách thức của công tác dân số và phát triển tại Việt Nam hiện nay là nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.
Ông Dũng cho biết, khi tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ, sẽ được coi là đạt mức sinh thay thế. Tuy nhiên, hiện nay mức sinh giữa các vùng, miền của nước ta đang có sự chênh lệch đáng kể.
Cả nước hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, tập trung ở vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh ven biển miền Trung. Đặc biệt, vùng Đông Nam bộ là khu vực có tỷ lệ mức sinh giảm rất sâu, nếu năm 1999 mức sinh ở khu vực này là 2,9 con/phụ nữ thì hiện còn 1,56 con.
Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn như Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực.
Theo thống kê của Cục Dân số, các tỉnh có mức sinh thấp chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, nên tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước.
Năm 2009, cứ 3 trẻ em dưới 15 tuổi mới có 1 người từ 60 tuổi trở lên, thì năm 2019 cứ khoảng 2 trẻ em dưới 15 tuổi đã có 1 người 60 tuổi trở lên.
Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng cảnh báo, với mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy rất lớn cho xã hội, như: Già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đặc biệt, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế, cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.
Đề xuất của Bộ Y tế sẽ giúp khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, đồng thời tránh được nguy cơ già hóa dân số nghiêm trọng. Với mức sinh như hiện nay, dân số Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên đỉnh điểm 107 triệu vào năm 2044, sau đó giảm dần và hạ xuống 72 triệu vào năm 2100. Mức sinh thấp đang góp phần đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số ở nước ta.