Bắc Ninh đứng thứ 8 toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh logistics Bắc Ninh: Chủ động tận dụng cơ hội từ EVFTA |
Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê đưa ra gần đây, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, thành phố Hải Phòng... là những địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP năm 2022 cao nhất cả nước.
Đây là những địa phương thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho hoạt động kinh tế số lõi, giá trị tăng thêm của kinh tế số lõi chiếm khoảng 87% - 96% tổng giá trị tăng thêm kinh tế số của địa phương. Hơn nữa, xu hướng số hóa trong các ngành kinh tế ở những địa phương ngày càng được đẩy mạnh.
Bắc Ninh chiếm “ngôi vương” về tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP. Ảnh minh họa |
Riêng với Bắc Ninh - địa phương đứng đầu cả nước về tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP năm 2022, đạt 46,7%. Ông Lê Văn Phát - Phó Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Ninh, lý giải: Bắc Ninh là thủ phủ dẫn đầu cả nước về sản xuất điện, điện tử. Đặc biệt, ngày 11/10/2023, tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, Tập đoàn Amkor tổ chức lễ khánh thành nhà máy Amkor Technology Việt Nam. Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor tại Bắc Ninh…
Nhà máy Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I là 520 triệu USD và dự kiến tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Theo Công ty Amkor Technology Việt Nam, trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung vào việc thử nghiệm, cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.
“Đây là cơ sở vững chắc cho địa phương tiếp tục duy trì vị trí cao và gia tăng tỷ trọng kinh tế số lõi trong những năm tới”, ông Lê Văn Phát nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Phát cũng cho hay: Những năm gần đây, tỷ trọng kinh tế lõi trong kinh tế số của Bắc Ninh giảm theo hàng năm. Cụ thể, năm 2020 là 50,4%, năm 2021 là 48,44%, năm 2022 là 46,75%. Nguyên do, tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, tồn kho hàng hóa cao khiến sản xuất của các doanh nghiệp điện, điện tử trên địa bàn giảm, dẫn tới tỷ trọng kinh tế lõi của Bắc Ninh giảm theo.
Mặt khác, kinh tế của Bắc Ninh “rất mở”, tỷ lệ xuất nhập khẩu gấp 3 - 4 lần quy mô kinh tế của tỉnh, xuất nhập khẩu khó khăn cũng kéo giảm tăng trưởng kinh tế của địa phương. “Năm 2019 - 2020 kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng 8-10%, năm 2022 tăng 5,4%, năm 2023 dự kiến giảm gần 10%”, lãnh đạo Cục Thống kê Bắc Ninh cho hay.
Đáng nói, kinh tế lõi của Bắc Ninh chiếm tỷ trọng cao tuy nhiên ngành kinh tế số khác như xuất bản, truyền thông, công nghệ phần mềm, thương mại điện tử còn yếu. Đặc biệt, ngành phụ trợ cho kinh tế lõi bị ảnh hưởng lớn. Ví dụ, những năm trước ngành công nghiệp phụ trợ tăng trưởng trên 10%, năm 2022 không những tăng mà còn giảm mạnh kéo theo doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này giảm nhiều.
“UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo mời lãnh đạo Tổng cục Thống kê và các viện trực thuộc cũng thảo luận nhằm nhận diện điểm yếu và giải pháp khắc phục, đồng thời thúc đẩy phát triển ngành phụ trợ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Lê Văn Phát cho hay.
Tuy vậy, đại diện Cục Thống kê Bắc Ninh cũng đề nghị, Tổng cục Thống kê cùng các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Bắc Ninh khắc phục yếu điểm này để ngành phụ trợ cùng các ngành kinh tế số khác phát triển tương ứng với kinh tế lõi.
Theo số liệu từ Cục thống kê Bắc Ninh, 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành giảm khá nhiều (-12,23%) so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là mức giảm nhiều nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong đó một số ngành công nghiệp trọng điểm giảm mạnh như: Sản xuất sản phẩm điện từ, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 12%; sản xuất thiết bị điện, giảm 27,47%.
Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (ngành 26) chiếm giá trị sản xuất lớn, do vậy toàn bộ ngành 26 được tính là ngành kinh tế số lõi. |