Muôn hình vạn trạng
Mặc dù các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã chủ động vào cuộc kiểm tra, xử lý, tuy nhiên, các hành vi vi phạm về buôn bán phân bón vẫn rất tinh vi và phức tạp. Theo đại diện quản lý thị trường (QLTT), các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, phân bón chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, không giấy phép sản xuất… Đặc biệt, một số đại lý, cửa hàng còn kinh doanh các loại phân bón nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam hay người trực tiếp bán phân bón không có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn, để lẫn phân bón với các hàng hoá khác. Thậm chí, còn ghi nhãn mập mờ về thành phần, chỉ tiêu chất lượng, ghi bằng tiếng nước ngoài, gây nhầm lẫn về xuất xứ. Hơn thế, các đối tượng còn lợi dụng lòng tin của người nông dân áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau để tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng…
Các cơ quan chức năng đã chủ động kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về buôn bán phân bón |
Theo số liệu thống kê của Cục QLTT Long An, năm 2019, đơn vị này đã phát hiện, xử lý 23 trường hợp kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng và 7 trường hợp kinh doanh phân bón giả, chuyển cơ quan Công an truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một trường hợp kinh doanh phân bón giả, không có giá trị sử dụng, công dụng, số lượng tang vật vi phạm là 200 bao, loại 25kg/bao.
Hay tại tỉnh Phú Yên, năm 2019, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện 8 cơ sở phân bón chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn, dây chuyền sản xuất chưa tự động, bảo hộ lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Tại Đăk Lăk, cũng phát hiện một đại lý có hơn 20 tấn phân bón không rõ nguồn gốc, một số đã hết hạn sử dụng…
Tăng chế tài xử phạt
Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất xử phạt lên đến 200 triệu đồng đối với vi phạm về buôn bán phân bón.
Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng nếu buôn bán phân bón trong giai đoạn đang nghiên cứu, khảo nghiệm, dự án sản xuất thử nghiệm khi chưa có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi tự ý viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón trong thời gian đang bị đình chỉ hoạt động buôn bán hoặc tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Trường hợp buôn bán phân bón không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán bị phạt từ 7 - 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi buôn bán phân bón có yếu tố hạn chế vượt mức giới hạn tối đa.
Hành vi vi phạm về buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón hết hạn sử dụng được đề xuất phạt cảnh cáo đối với trường hợp lô phân bón có giá trị dưới 1 triệu đồng; phạt tiền từ 500.000 đến 80 triệu đồng tùy giá trị lô phân bón từ 1 đến dưới 200 triệu đồng.
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt nêu rõ, hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. |