Từ khi là một thanh niên đỗ đầu Trường Bách nghệ Sài Gòn môn khóa 1915 - 1917, đến khi trở thành nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, sau là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch nước, Bác Tôn luôn là người có tác phong khiêm tốn, giản dị. Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn là nhà lãnh đạo luôn gần gũi với nhân dân.
Tháng 12 năm 1972, giữa lúc những đợt bom B52 của đế quốc Mỹ dội xuống miền Bắc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng ban lãnh đạo cao nhất của đất nước vẫn ở Hà Nội, trực tiếp chỉ đạo đập tan cuộc tập kích chiến lược của Mỹ. Mặc dù khi đó đã 84 tuổi, sau khi ngớt tiếng bom, cùng với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn tới các trận địa phòng không Hà Nội, để khen ngợi, động viên cán bộ, chiến sĩ tự vệ, sau đó đi thăm đồng bào và chiến sĩ ở khu phố Khâm Thiên, nơi bị bom Mỹ hủy diệt. Các đoàn cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng, đoàn chiến sĩ thi đua và dũng sĩ miền Nam ra Bắc, thường được Bác tiếp, thăm hỏi và động viên thân tình. Khi làm Chủ tịch Đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác Tôn chủ trương để Mặt trận đứng ra đỡ đầu cho Sư đoàn 308 - sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, mở đầu một phong trào kết nghĩa, đỡ đầu giúp đỡ và động viên các lực lượng vũ trang trong toàn quốc.
Đặc biệt xúc động là tình cảm giữa Bác Hồ và Bác Tôn. Hai Bác đều xưng hô với nhau rất thân mật bằng đại từ "cụ". Bác Tôn luôn coi Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, còn Bác Hồ trân trọng Bác Tôn như một người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết. Thường vào ngày thứ bảy cuối tuần, Bác Hồ mời Bác Tôn cùng bác gái sang ngôi nhà nhỏ sau Phủ Chủ tịch dùng cơm. Cũng có lúc Bác Hồ sang thăm Bác Tôn tại nhà riêng. Những năm sức khỏe Bác Hồ giảm sút, bước chân đi không còn nhanh nhẹn, một lần cùng Bác Tôn xuất hiện trước đồng bào, Bác Hồ bảo: "Để tôi nắm tay Cụ đi, cho đồng bào khỏi thấy!".
Ngày 2/9/1945, tại Vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 30 năm sau, ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Bác Tôn vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng. Sáng 15/5/1975, trong buổi lễ trọng thể tổ chức trước Dinh Thống Nhất, Bác Tôn đọc lời chào mừng quân và dân cả nước. Bác Tôn nhắc lại Di chúc của Bác Hồ: "Đến ngày thắng lợi, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng...".
Kỷ niệm ngày sinh Bác Tôn, trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam vẫn còn mãi hình ảnh một nhà cách mạng đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp của dân tộc, để lại cho hậu thế một tấm gương cao quý mà cũng rất đỗi giản dị, khiêm nhường, vị Chủ tịch nước của nhân dân.