HLV Philippe Troussier và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã cùng đi đến thỏa thuận chấm dứt hợp đồng sau trận đấu với Indonesia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á vào tối ngày 26/3.
Trong cuộc họp sau trận đấu, VFF đề nghị "hỗ trợ" khoảng ba tháng tiền lương (khoảng 3-4 tỷ đồng) và Troussier vui vẻ chấp nhận. Đây là một con số thấp hơn nhiều so với việc VFF phải trả toàn bộ số tiền lương đến tháng 7/2026 (khoảng 40 tỷ đồng – tương đương 1,7 triệu USD).
Như vậy từ thông tin này có thể hiểu, mức lương hàng tháng của HLV Troussier vào khoảng 1,3 – 1,7 tỷ đồng. Đây là con số cho thấy sự đầu tư rất “bạo tay” của VFF vào đội tuyển quốc gia.
Tuy nhiên khi kết quả không như mong muốn, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và cả HLV Troussier đều thống nhất kết thúc trong êm đẹp. Số tiền mà VFF phải trả cũng không cao như trong điều khoản đã thương lượng.
Ông Troussier và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức chấm dứt hợp đồng sau trận đấu với Indonesia. |
Nếu đối chiếu theo điều khoản hợp đồng có thể hiểu, tương lai của HLV Troussier chỉ được quyết định sau vòng loại thứ hai World Cup 2026 chứ không phải sau trận đấu với Indonesia vào tối qua (26/3). Nếu đơn phương sa thải ông Troussier, VFF sẽ phải trả khoản tiền phạt hợp đồng là hơn 40 tỷ đồng.
Vì vậy có thể thấy hành động đạt được thỏa thuận để hai bên thống nhất chấm dứt hợp đồng là một quyết định khôn ngoan của VFF. Điều này xuất phát từ sự cầu thị và mong muốn cải thiện thành tích, hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai của VFF.
Ở một góc nhìn khác cũng cần dành sự tôn trọng đối với HLV Troussier khi ông đã thể hiện sự "fair play" đối với VFF và người hâm mộ Việt Nam. Ông đồng ý chấm dứt hợp đồng và nhận số tiền đền bù 3 tháng lương mà không đòi hỏi gì thêm.
Đặt giả thiết nếu sau trận thua tối qua, không phải là ông Troussier mà là một người khác kiên quyết ngồi lại ghế HLV trưởng cho đến khi hết hợp đồng, tình thế sẽ rất khác. Lúc này người hâm mộ và VFF sẽ phải đối mặt với 2 phương án. Một là chấp nhận chờ đến khi hết hợp đồng giữa hai bên và hai là phải chi số tiền 40 tỷ đồng để sa thải trước thời hạn.
Như vậy, có thể nói VFF được 36 tỷ đồng chứ không hẳn là mất 4 tỷ đồng cho thương vụ vừa qua. Câu chuyện này cũng một phần thể hiện sự chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm, tự trọng của ông Troussier.
Giờ đây, khi mọi sự đã qua, cần phải hướng về phía trước để giải quyết tình thế trước mắt. Đầu tiên cần phải thấy rằng, việc thay đổi HLV liên tục chắc chắn làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định và lối chơi của đội tuyển. Sau thương vụ vừa qua, VFF cần phải tìm kiếm một HLV mới có đủ năng lực và kinh nghiệm để xây dựng lối chơi phù hợp và dẫn dắt đội tuyển quốc gia đạt được thành công.
Đội tuyển sẽ tiếp tục lối chơi phòng ngự phản công đã mang lại nhiều kết quả tốt từ thời ông Park Hang Seo hay sẽ rẽ sang hướng kiểm soát bóng và tấn công đẹp mắt? Trách nhiệm của VFF là phải tìm lời giải cho bài toán này.
Bên cạnh việc tìm kiếm HLV mới, VFF cũng cần quan tâm đến việc phát triển bóng đá trẻ và nâng cao chất lượng đào tạo cầu thủ. Việc xây dựng nền tảng vững chắc từ bóng đá trẻ sẽ giúp đội tuyển quốc gia có nguồn lực dồi dào và ổn định trong tương lai. Sau thế hệ vàng vừa đi qua, trong 3-5 năm tới, thế hệ mới sẽ phát triển thế nào? Liệu có đủ để gánh vác cả một nền bóng đá đang khát khao chuyển mình, nâng tầm như Việt Nam?
Ngoài ra, một vấn đề mấu chốt là phải xây dựng nền tảng các giải đấu cấp độ CLB trong nước ngày càng chuyên nghiệp. Cùng với đó là đưa cầu thủ trẻ ra nước ngoài thi đấu, cọ sát nhiều hơn. Từ nền tảng này, Việt Nam mới có dư dả cả nguồn lực cả trong và ngoài nước để từng bước chuyển mình thực sự từ bên trong.