Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 và kế hoạch năm 2022 của VEAM vừa được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào sáng ngày 18/01/2022, tại Hà Nội.
Ông Phan Phạm Hà - Tổng giám đốc VEAM - báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại hội nghị |
Đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều khó khăn thách thức cho nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp, đây được xem là “liều thuốc thử sức đề kháng”, khả năng linh hoạt và sáng tạo của mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế. Với sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của Ban lãnh đạo, tập thể CBCVN, nhiều giải pháp quyết liệt đã kịp thời được triển khai và ứng phó, nhờ đó kết quả sản xuất kinh doanh chung của VEAM và một số công ty con đã có sự tăng trưởng so với năm 2020.
Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Phạm Hà - Tổng giám đốc VEAM - cho biết, năm 2021, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và các công ty con không có điều chỉnh, tuy nhiên giá trị sản xuất của toàn tổng công ty vẫn ước đạt 3.301 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm và tăng 11% so với năm 2020; tổng doanh thu ước đạt 4.405 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch năm và tăng 2% so với năm 2020; lợi nhuận đạt 6.279 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch năm.
Ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch HĐQT - phát biểu tại hội nghị |
Đóng góp vào kết quả chung đó phải kế đến sự bứt phá, năng động, sáng tạo và linh hoạt trong hoạt động của một số công ty con. Điển hình như Nhà máy đúc VEAM, năm 2021 giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu của đơn vị này đều vượt 5% kế hoạch năm và tăng 16% so với năm 2020, ước đạt 200 tỷ đồng. Mặc dù đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh - địa phương bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất cả nước trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, tuy nhiên Nhà máy đúc VEAM đã tận dụng mọi cơ hội, công tác tổ chức sản xuất khoa học, linh hoạt, nhờ đó dây chuyền đúc Furan vừa hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 đã khai thác 80% công suất và dây chuyền khuôn tươi đạt 86% công suất, nhờ đó tăng sản lượng 16% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu của đơn vị vẫn tăng trưởng 31% so với năm 2020, đồng thời trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới đơn vị vẫn tích cực triển khai phát triển sản phẩm mới cho các khách hàng Nikken, Hyosung, Stolz… và tích cực sản xuất sản phẩm mẫu để có thể sớm đưa vào sản xuất hàng loạt.
Cùng với đó, SVEAM cũng là doanh nghiệp nằm trong “tâm dịch” của TP. Hồ Chí Minh, mặc dù các giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu của đơn vị lần lượt chỉ đạt 79% và 87% so với kế hoạch năm nhưng lợi nhuận năm 2021 của đơn vị vẫn tăng 2% so với năm 2020, đặc biệt giá trị xuất khẩu của SVEAM vẫn đạt 7,3 triệu USD, đứng thứ 2 trong toàn hệ thống của tổng công ty.
Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhiều đơn vị có sự bứt phá và giữ vững vị thế là một trong những trụ cột của VEAM. Cụ thể, FUTU1 vẫn tiếp tục đưa vào sản xuất nhiều sản phẩm mới cho khách hàng nội địa như: KDH, Vinfas,Sumitomo… nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu đều tăng so với năm 2020 và xấp xỉ đạt kế hoạch so với năm 2021. Trong khi đó, FOMECO lại có sự tăng trưởng mạnh về giá trị sản xuất công nghiêp và doanh thu với mức tăng trưởng lần lượt đạt 14% và 23% so với năm 2020 và 112% và 121% so với kế hoạch năm 2021. Lợi nhuận trước thế của FOMECO đạt 41,8 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm, đồng thời kim ngạch xuất khẩu của FOMECO ước đạt 20 triệu USD, tăng 48% so với năm 2020, FOMECO bước đầu sản xuất phụ tùng ô tô xuất khẩu sang Mỹ, đã khẳng định sự nỗ lực của công ty trong năm 2021 đầy khó khăn và nhiều biến động.
Về thị trường, có thể nói năm 2021 tình hình tiêu thụ các sản phẩm củaVEAM bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều đại lý, nhà phân phối phải đóng cửa đã dẫn đến sụt giảm trong tiêu thụ các sản phẩm như: máy nông nghiệp giảm đến 62%, máy xay xát giảm đến 39%, máy cắt lúa giảm 41%, máy kéo giảm 29%, hộp số giảm 28%... so với năm 2020. Tuy nhiên công tác xuất khẩu lại là điểm sáng khi mà tổng kim ngạch xuất khẩu của VEAM năm 2021 tăng 32% so với năm 2020 và vượt 24% kế hoạch năm và chủ yếu vẫn đến từ tăng trưởng sản phẩm phụ trợ xuất khẩu.
Cũng theo ông Phan Phạm Hà, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đa số các công ty con của VEAM đều có sự tăng trưởng so với năm 2020, tổng lỗ của các công ty con là 17,4 tỷ đồng, trong khi tổng mức lãi mà các công ty con trong tổng công ty đạt khoảng 116 tỷ đồng. Hoạt động của các công ty liên kết như: Ford, Honda, Toyota đều sụt giảm về số lượng xe bán ra thị trường so với năm 2020. Tuy nhiên nhìn chung lại, năm 2021 kết quả ba mảng sản phẩm trụ cột của VEAM đề tăng so với năm 2020. Mặc dù chỉ có máy nông nghiệp và sản phẩm khác vượt kế hoạch, công nghiệp hỗ trợ gần đạt mục tiêu năm ( xấp xỉ 99%), trong khi lĩnh vực ô tô chỉ đạt 71%.
Ghi nhận những kết quả đạt được của tổng công ty trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, với tỷ lệ vốn sở hữu Nhà nước tại VEAM hiện trên 88% như vậy với kết quả lợi nhuận của VEAM đạt được trong năm 2021 đã mang lại nguồn thu cho Nhà nước trên 5.000 tỷ đồng. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước do tác động của đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đã chỉ đạo VEAM trong năm 2022 phải quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng trong nội tại của VEAM như: đẩy mạnh tiêu thụ tồn kho, tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm của VEAM, bám sát hoạt động của các đơn vị thành viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị và nâng cao hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp này.
Tổng công ty trao tặng khen thưởng cho các đơn vị có lãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 |
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch HĐQT VEAM - xin hứa trong năm 2022 VEAM sẽ tập trung giải quyết, xử lý các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở đẩy mạnh tiêu thụ tồn kho ô tô và các mục tiêu khác có liên quan.
Đồng thời năm 2022, công ty mẹ cũng đặt ra kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp tăng 4%, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 70%, doanh thu tài chính bằng 84% và lợi nhuận sau thuế bằng 82% so với năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 37,1%.
Năm 2021, VEAM cũng đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội khi tham gia ủng hộ Quỹ vắc xin thông qua Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam với số tiền 5 tỷ đồng và CBCNV tham gia ủng hộ 200 triệu đồng. Ngoài ra, tổng công ty cũng đã trao tặng máy kéo cho bà con hộ nghèo tại một số địa phương với 109 máy giá trị trên 2 tỷ đồng. |