Tán thành đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn tán thành đề xuất của Bộ Tài chính về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2023 |
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn tán thành đề xuất của Bộ Tài chính về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2023 để doanh nghiệp và người dân có vốn tập trung vào sản xuất, kinh doanh và tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế.
“Chính sách này đã được thực hiện trong 3 năm qua (2020, 2021 và 2022) và mang lại nhiều tác động rất tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Khoản tiền thuế và tiền thuê đất được chậm nộp này có tác dụng như một khoản cho vay ngắn hạn giá rẻ của nhà nước dành cho doanh nghiệp” – văn bản của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu rõ.
Cũng theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị định 52/2021/NĐ-CP và Nghị định 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ cho phép doanh nghiệp lùi thời điểm nộp thuế từ nửa đầu năm sang nửa cuối năm, nhưng vẫn phải hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế vào tháng 12/2023.
Nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp thực hiện chính sách này trong ba năm qua, việc dồn toàn bộ nghĩa vụ nộp thuế vào dịp cuối năm, tập trung vào tháng 12 gây nhiều khó khăn về dòng tiền cho các doanh nghiệp.
Vì thông thường, đây là dịp các doanh nghiệp cần nhiều vốn lưu động ngắn hạn để chuẩn bị cho các đơn hàng dịp Tết và thưởng tết cho người lao động. Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại cũng thường không muốn cho vay các khoản ngắn hạn vắt từ cuối năm này sang đầu năm sau, và yêu cầu khách hàng phải đáo hạn khoản vay trước ngày 31/12 hàng năm, do đây là thời điểm các ngân hàng thương mại phải tuân thủ quy định về giới hạn tăng trưởng tín dụng.
“Các yếu tố này khiến thời điểm 31/12 biến thành một “nút thắt cổ chai” về dòng vốn ngắn hạn của cả nền kinh tế, khi mà cầu về vốn lưu động thì cao nhưng cung lại thấp” – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định.
Những tháng đầu năm 2023 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp |
Gia hạn 6 tháng nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Cũng theo dự báo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2023 được dự đoán sẽ tiếp tục là một năm khó khăn về dòng vốn đối với các doanh nghiệp do những biến động kinh tế vĩ mô tại Việt Nam và trên thế giới.
Trong khi đó, tình hình thu ngân sách trong nhiều năm trở lại đây đều vượt dự toán, còn chi đầu tư công lại không đạt kế hoạch. Do vậy, nếu khoản tiền “nhàn rỗi” này được sử dụng để cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế và dịp cuối năm trước và đầu năm sau thì sẽ giúp tháo gỡ được sự mất cân về dòng tiền giữa công và tư, góp phần rất lớn để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và thưởng tết cho người lao động.
Dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 của Bộ Tài chính hiện vẫn đang quy định thời điểm cuối cùng phải nộp thuế là 31/12/2023, việc giới hạn thời điểm này là nhằm bảo đảm việc thực hiện dự toán ngân sách hàng năm. Theo VCCI, nếu cho phép thời điểm nộp thuế qua năm sau thì có thể dẫn đến việc không đáp ứng dự toán vào thời điểm 31/12.
Tuy nhiên, cần nhận thức rằng khoản tiền thuế này không mất đi, các doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Việc lùi thời hạn nộp thuế chỉ có ý nghĩa giúp điều hoà dòng tiền cho nền kinh tế, tránh tình trạng mất cân đối giữa các thời điểm trong năm.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có giải pháp cho vấn đề này. Nếu có thể, nên cho phép gia hạn 6 tháng thời điểm nộp cho toàn bộ các kỳ kê khai và nộp thuế trong năm 2023.
Trong báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê vừa công bố ngày 28/2 cũng cho thấy, 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 37,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại có tới 51,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó chứng tỏ, khu vực doanh nghiệp vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Chia sẻ với báo chí đầu năm 2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, những tháng đầu năm 2023 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân trong nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh có khả năng bị thu hẹp do áp lực về dòng tiền ngắn hạn, lãi vay và thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, thanh khoản của các ngân hàng gặp nhiều áp lực và lãi suất cho vay tăng cao khiến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp gần như bế tắc.