Thứ ba 29/04/2025 13:25

Văn Miếu Quốc Tử Giám: Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và giáo dục di sản suốt 3 tháng hè

Nhằm giúp thanh thiếu nhi thủ đô Hà Nội có thêm sân chơi bổ ích trong suốt 3 tháng hè cũng như hiểu biết hơn về các loại hình văn hóa dân gian truyền thống, đồng thời thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, từ ngày  01/6/2018, Văn Miếu Quốc Tử Giám đã  khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa hè cho thanh thiếu nhi thủ đô. Các hoạt động diễn ra liên tục hàng ngày, xuyên suốt 3 tháng hè (từ 01/6/2018 đến 20/8/2018).
Các em được trải nghiệm làm giấy dó từ quy trình đầu tiên đến ra 1 tờ giấy

Theo đó, thanh thiếu nhi thủ đô cùng với du khách trong và ngoài nước sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc như: trại hè sáng tác tranh; làm giấy dó, trang trí và vẽ trên giấy dó; làm diều, vẽ diều và thưởng lãm triển lãm diều; vuốt nặn và vẽ trên gốm, trải nghiệm làm tranh vải và thú nhồi bông; làm chuồn chuồn tre, vẽ nón vẽ mật nghệ thuật; trò chơi dân gian; chợ phiên…

Đặc biệt vào các ngày cuối tuần sẽ có các gameshow “gắn kết gia đình” là những cuộc thi chế biến món ăn, quà vặt truyền thống “muốn ăn thì lăn vào bếp với người nổi tiếng”, “nam công gia chánh”. Talkshow “sống đẹp” về tiên học lễ, hậu học trí, đức dục, trí dục, vượt khó thành tài. “Làng hài sĩ tử” với các tích trò “sĩ tử nhập môn” có sự tham gia của diễn viên Thiện Tùng phim “Lều chõng” cuốn hút các “sĩ tử nhí”. Hội chợ ẩm thực sản vật Việt với chủ đề sĩ tử với quán gánh quà quê là trải nghiệm và tương tác với các nghệ nhân thực hiện các món ăn thức uống chế biến từ nguồn nguyên liệu dân gian, an toàn.

Ông Lê Xuân Kiêu phát biểu tại Lễ Khai mạc

Theo ông Lê Xuân Kiêu- Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám: “Đây là lần đầu tiên Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa hè cho thanh thiếu niên Hà Nội và các vùng phụ cận. Các hoạt động diễn ra trong 3 tháng hè nhằm mục đích tạo sân chơi cho trẻ em cũng như giáo dục trẻ em biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống và hoàn thiện nhân cách kỹ năng sống, bên cạnh đó cũng tạo không gian mới cho khách du lịch- Đặc biệt là du khách quốc tế vốn rất yêu thích văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam”.

Lễ rước diều và câu phong

Với chuỗi hoạt động phong phú liên tục thay đổi chủ đề theo tuần, đây là lần đầu tiên Văn Miếu - Quốc Tử Giám "dốc tâm" đầu tư sân chơi sinh hoạt trong suốt 3 tháng hè với mong muốn gắn kết giáo dục di sản với học sinh thanh thiếu niên Thủ đô. Tại đây, có những hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại nội thành Hà Nội. Theo đó, lần đầu tiên tái hiện không gian lễ hội diều truyền thống với trống hội và đoàn rước diều đến từ Trung tâm bảo tồn di sản Diều Việt Nam và các Câu lạc bộ diều trên cả nước.

“Tái hiện trò chơi dân gian giúp trẻ em ở đô thị được trải nghiệm trò chơi và không gian làng quê nơi phố thị, qua đó giúp các em tăng cường vận động và thêm hiểu, thêm yêu các tích trò dân gian” – Nghệ nhân Hoàng Văn Điệp – GĐ Trung tâm Bảo tồn Diều Việt Nam kì vọng.

Cũng tại đây, lần đầu tiên có Lễ hội Hoa Chữ tại Hồ Văn: Trên khuôn viên hồ rộng gần 6.000m2; vào tối thứ Sáu hàng tuần sẽ có Lễ hội thả Hoa Chữ, là các đèn hoa nến gắn chữ mà người thả viết và gửi các ước mơ về học tập thành tài và thi cử đỗ đạt; Lần đầu tiên các “sĩ tử nhí” được tự tay thực hiện cả quy trình sản xuất giấy dó, trang trí, viết và vẽ trên giấy dó. Kết hợp với các cuộc thi chữ đẹp và Ông đồ dạy chữ các “sĩ tử nhập môn”, mỗi tuần, mỗi tháng sẽ trao giải; Lần đầu tiên có trại sáng tác tranh với tranh sơn acrylic và vẽ trên giấy, trên toan được tổ chức hàng ngày và trao giải theo tuần, theo tháng;

Cùng với các hoạt động trên thì các “sĩ tử nhí” có thể “rinh” quà lớn, là 2 giải nhất ở thể loại giấy dó nghệ thuật, làm diều và sáng tác tranh trên diều. Mỗi giải trị giá 30 triệu đồng là 1 chuyến du lịch cho 2 người đến resort Long Sơn - Mũi Né (tỉnh Bình Thuận) trong 5 ngày 4 đêm.

“Văn Miếu- Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây đã trở thành điểm đến cho du khách quốc tế. Nhưng chúng tôi mong mỏi sẽ định vị Hồ Văn là sân chơi văn hóa, giáo dục di sản thường xuyên cho trẻ em Hà Nội để các em có môi trường vui chơi lành mạnh, an toàn đồng thời giúp du khách trong và ngoài nước đến với Văn Miếu trong thời gian này có thêm được cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa dân gian Việt Nam ” - TS Lê Xuân Kiêu cũng cho biết.

Hiện nay, Thành phố Hà Nội có 2.641 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, với tổng số gần 1,9 triệu học sinh. Trong đó, cấp tiểu học và trung học cơ sở là 1.270 trường, với hơn 990 nghìn học sinh. Ngoài việc dạy học, hoạt động giáo dục văn hóa và thể chất cũng cần được chú trọng trong điều kiện thiếu nhiều sân chơi như hiện nay.
Thu Hường

Tin cùng chuyên mục

Bí mật sau chuyến xe “An – Tâm – Đẹp”: CEO SIAM Thailand và chiến lược đầu tư vào sắc đẹp

MC Lại Văn Sâm đưa ra cảnh báo khẩn vì bị mạo danh

Phim Địa đạo thu gần 70 tỷ đồng: Giới trẻ ngày càng yêu lịch sử!

Nhờ có sự bảo trợ sắc đẹp của SIAM Thailand, các thí sinh hoa hậu Việt Nam tỏa sáng

Cơ quan chức năng chỉ ra thiếu sót của Nguyễn Thúc Thùy Tiên trong quảng cáo

5 năm đồng hành cùng MIQVN, SIAM Thailand lan tỏa giá trị đến cộng đồng

Nghe Trẻ Nghe Tre: Lan tỏa văn hóa Việt qua nhạc rap

Cuộc chiến trending: 'Sự nghiệp chướng' gặp hạn, 'Bắc Bling' hưởng lợi?

Đà Nẵng: Sôi động giải đua thuyền truyền thống 2025

Loạt rapper hát bài lời lẽ thô tục: Nhạc rap hay ‘rác’?

Giải bóng chuyền VĐQG 2025: Khánh Hòa áp đảo Ninh Bình

Giữa ồn ào tình ái, streamer ViruSs kinh doanh những gì?

Đối tượng lạ dùng sim rác liên hệ thí sinh Hoa hậu Việt Nam

Bắc Bling: Khi khán giả 'phải lòng' những thanh âm nguồn cội

Concert 'Anh trai say hi' được tổ chức tại Van Phuc City

Vì sao NSND Công Lý rời Nhà hát Kịch Hà Nội?

Màn trình diễn ánh sáng đỉnh cao của 500 drone trên bầu trời Buôn Ma Thuột

MV Bắc Bling vươn lên top 1 toàn cầu

Diễn viên Thanh Hương: Góc khuất nghề và ám ảnh sau mỗi vai diễn

Hòa Minzy mời NSƯT Xuân Hinh quay MV Bắc Bling thế nào?