Vốn ưu đãi về, hộ nghèo giảm mạnh
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương kiêm Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc bày tỏ: Hội nghị này rất cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, bên cạnh nội dung tổng kết 5 năm thực hiện chính sách tín dụng vùng Tây Bắc, hội nghị còn đánh giá những kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn vùng Tây Bắc.
Vùng Tây Bắc hiện có 45/64 huyện nghèo của cả nước được hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; có 12/30 huyện của cả nước có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng một số cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; 1.375 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện hỗ trợ theo Chương trình 135.
Vì vậy, "một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với Tây Bắc là triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương kiêm Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc -phát biểu chỉ đạo |
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Bắc, thời gian qua, tín dụng chính sách trở thành một công cụ không thể thiếu trong quá trình tổ chức xây dựng kinh tế, xoá đói nghèo của khu vực có chiếm tới 4/5 số huyện nghèo cả nước. Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng cho biết: Trong hơn 6 năm qua, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, NHCSXH đã đồng hành cùng các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn như: cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay hộ dân cho tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; cho vay bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (giai đoạn 2)...
Từ năm 2011 đến nay, đã có trên 2.220 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, góp phần giúp trên 318 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; Thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114 nghìn lao động, trong đó, gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Giúp trên 121 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; Xây dựng trên 681 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; Gần 61 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, có gần 360 căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (Thanh Hóa và Nghệ An)…
Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng đã giảm từ 34,58% (năm 2010) xuống còn dưới 15% (năm 2015).
Thống đốc Lê Minh Hưng: "NHCSXH nghiên cứu, rà soát nhằm phát hiện những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, kịp thời đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ban ngành để xem xét điều chỉnh tín dụng chính sách phù hợp với thực tiễn". |
"Hiến kế" cho tín dụng chính sách
Mặc dù đã có những kết quả đáng khích lệ trong việc giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, địa phương và toàn vùng nhưng trên thực tế Tây Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Giai đoạn tới, các tỉnh vùng Tây bắc vẫn là địa bàn nghèo trọng điểm của cả nước. Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận đa chiều năm 2015, các tỉnh vùng Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo bình quân là 29,14% (45 huyện nghèo là 49,98%, 12 huyện hưởng cơ chế 30a là 46,56%); trong đó có nhiều tỉnh tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước như: Điện Biên (48,14%), Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%), Lai Châu (40,40%)…
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Tây Bắc vẫn là "lõi nghèo" của cả nước, đặt ra yêu cầu tiếp tục phải mở rộng nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách trong thời gian tới.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề xuất: NHCSXH cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp để chỉ đạo xây dựng mô hình hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo do cộng đồng làm chủ, huy động đa dạng nguồn lực thực hiện.
Bà Cà Thị Nghĩa, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Huổi Hỏm, xã Ẳng Tở, Mường Ẳng, Điện Biên kiến nghị: Mong các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp đủ vốn theo đề nghị của địa phương để triển khai có hiệu quả các chương trình ưu đãi của Chính phủ.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt tổng vốn thực hiện Chương trình là 48.397 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương cân đối là 41.449 tỷ đồng (theo dự kiến, vốn phân bố cho các tỉnh vùng Tây Bắc chiếm khoảng 60% tổng nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí của cả chương trình). Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo tiếp tục ưu tiên thực hiện trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, theo hướng tích hợp chính sách, mở rộng các chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, chuyển sang chính sách hỗ trợ có thu hồi, có hoàn trả, có điều kiện để phát huy tính chủ động vươn lên thoát nghèo của chính người nghèo.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH: NHCSXH sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giải ngân cho vay vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng và hiệu quả; xác định mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách bình quân hàng năm khoảng 14-15%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân toàn quốc. Đảm bảo người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Bắc có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.