Giới trẻ thủ đô nô nức tham dự sự kiện Văn hóa ẩm thực Lễ hội bia Hà Nội 2023 Bài 3: Nhìn từ ví dụ của Thủ tướng nói về BlackPink và “chìa khóa” cho phát triển văn hóa Thủ đô |
Văn hóa và con người là nền tảng xuyên suốt
Vấn đề văn hóa, con người nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến người dân thể hiện trong góp ý dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực tiễn cho thấy, với vị trí, vai trò đặc biệt, Hà Nội có nền tảng văn hóa với tiềm năng to lớn. Hiện nay, Hà Nội đang sở hữu kho tàng di sản vô giá và cực kỳ phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới. Hà Nội còn có hệ thống 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao.
Văn hoá, con người và di sản nghìn năm văn hiến là một trong 5 trụ cột phát triển Thủ đô Hà Nội |
Theo các chuyên gia, văn hóa Hà Nội là nguồn sức mạnh to lớn xét trên nhiều góc độ, tầng mức, cả chiều sâu và quy mô, tính chất. Tuy nhiên, đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa vào GRDP của Thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu, như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội...
Trong thời gian Hà Nội bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân đã thực hiện số hóa dữ liệu, chương trình, các hoạt động văn hóa thông qua internet thu hút được nhiều sự quan tâm, tương tác của công chúng. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội chưa được như kỳ vọng.
Nguyên nhân có thể chỉ ra, hầu hết sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Thành phố cũng chưa có Trung tâm sáng tạo, chưa có megashow. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở Hà Nội mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng.
So với các thành phố sáng tạo khác có nền công nghiệp văn hóa phát triển trên thế giới, các hoạt động sáng tạo đang diễn ra ở Hà Nội có khoảng cách khá xa. Có những lĩnh vực thiếu vắng vai trò quản lý nhà nước.
Theo kế hoạch, chỉ còn gần 1 năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO như trong Hồ sơ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, song đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai như: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; Diễn đàn mạng lưới Thành phố sáng tạo Đông Nam Á; mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ…
Số lượng các dự án liên quan đến Thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa còn ít, chưa đủ sức thâm nhập và tác động sâu rộng tới nhận thức của những người tham gia vào hoạt động quản lý, sản xuất và dịch vụ văn hóa, cũng như với toàn xã hội. Bên cạnh đó, hầu hết người dân Thành phố còn mơ hồ với khái niệm “Thành phố sáng tạo”.
PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: "Hà Nội đang đứng trước những thách thức như tình trạng xuống cấp, di sản văn hóa thiếu các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo; di sản bị xâm chiếm hoặc bị khai thác quá mức, làm biến dạng... Do đó, việc xây dựng quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội trong thời gian tới phải góp phần giải quyết những thách thức này, tạo điều kiện cho văn hóa Thủ đô phát triển".
Cần xây dựng các công trình kiến trúc mang dấu ấn thời đại
Về định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường (đại diện Liên danh tư vấn Quy hoạch Thủ đô) cho biết, các nội dung phương án quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển: Văn hoá, con người và di sản nghìn năm văn hiến; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo đó, đề cập về mặt giải pháp, PGS.TS Phạm Duy Đức cho rằng: Một phần quan trọng của quy hoạch phát triển đô thị của Thủ đô là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vì đây là một thành phố với lịch sử và di sản văn hóa đa dạng. Ngoài ra, cần tích hợp di sản văn hóa vào quy hoạch đô thị bằng cách bảo đảm cho các di tích và khu vực văn hóa được bảo tồn và tôn trọng trong quá trình phát triển đô thị.
Một phần quan trọng của quy hoạch phát triển đô thị của Thủ đô là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống |
Bên cạnh đó, cần học tập kinh nghiệm quốc tế để xây dựng quy hoạch khu vực hai bờ sông Hồng, quy hoạch các trục văn hóa theo dọc tuyến sông Hồng và kết nối với các khu vực khác trong vùng Thủ đô để phát triển kinh tế và văn hóa du lịch, bảo vệ môi trường.
Bà Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đánh giá: Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của “một trung tâm lớn về văn hóa” và còn thiếu vắng những thiết chế văn hóa, nghệ thuật, những công trình kiến trúc mới mang dấu ấn của thời đại.
"Hà Nội có thể thực hiện quy hoạch, mở rộng các công viên đã có, xây dựng thêm những công viên mới và biến chúng trở thành công viên văn hóa bằng cách tổ chức, trình diễn nhiều thể loại nghệ thuật công cộng, tổ chức festival cộng đồng để khuyến khích đa dạng văn hóa ở địa phương. Và như thế, mỗi công viên sẽ trở thành một trung tâm sáng tạo - một giải pháp để đẩy mạnh, phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô" - bà Hương nói.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều nhà hát (của cả Trung ương và Hà Nội), tuy nhiên hầu hết đều có diện tích khiêm tốn như Nhà hát Chèo, Nhà hát Tuồng, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Âu Cơ…, nhưng đã được xây dựng từ khá lâu nên thực sự không thể đáp ứng yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, thậm chí đã xuống cấp.
Hà Nội có Nhà hát Lớn, vừa khánh thành Nhà hát Hồ Gươm nhưng cả 2 nhà hát này không thể đáp ứng được những buổi biểu diễn có số lượng khán giả trên 1.000 người, vì thế, bà Hương đề nghị cần quy hoạch, xây dựng một công trình hay một tổ hợp công trình nghệ thuật để có thể biểu diễn các loại hình nghệ thuật khác nhau. Ngoài yêu cầu của nhà hát, cần đầu tư thiết kế để đây sẽ là một công trình kiến trúc tiêu biểu mang dấu ấn thời đại của Thủ đô.