Xuất bản số trong phát triển văn hóa đọc: Xu thế tất yếu lan tỏa văn hóa đọc Hội sách Hà Nội 2022 sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 9/10 |
Vì đầu nên nỗi?
Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong giai đoạn 2014 - 2019, tỷ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Tuy nhiên 2 năm dịch bệnh 2020, 2021, con số này lại giảm xuống còn hơn 4 đầu sách/người.
Văn hóa đọc ở nước ta còn khá thấp |
Tổng cục Thống kê cũng vừa đưa ra con số đáng buồn, gần 50% gia đình Việt không có nổi 3 cuốn sách cho con cái đọc tại nhà.
Chia sẻ trong một tọa đàm về văn hóa đọc, nhiều nhà văn hóa đã bày tỏ sự trăn trở trước sức đọc quá thấp của người Việt.
Bởi nhìn sang các nước láng giềng thấy rõ sự chênh lệnh quá lớn. Ví dụ tại Indonesia, học sinh đọc sách 15 phút mỗi ngày trước giờ học chính thức. Hàn Quốc, cha mẹ và con cùng đọc ít nhất 3 ngày/tuần và mỗi lần khoảng 30 phút. Thái Lan qua khảo sát gần 56.000 hộ gia đình cho kết quả, trẻ em dưới 6 tuổi đọc 71 phút/ngày, thanh niên đọc 94 phút/ngày, người ở độ tuổi lao động đọc 61 phút/ngày. Malaysia trung bình mỗi người/năm đọc khoảng 17 đầu sách…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, song cần phải nhắc đến việc không ít nhà xuất bản chưa chú trọng chọn lọc các đầu sách hay, có ý nghĩa, nội dung phù hợp cho lứa tuổi học sinh, sinh viên. Thực tế còn xuất hiện không ít cuốn sách có ngôn ngữ thô tục, cổ xúy cho tình yêu phi đạo đức. Bên cạnh đó, tại các trường học chưa có nhiều buổi ra mắt sách. Nhiều cơ quan, đoàn thể chưa xây dựng văn hóa đọc…
Một thực tế không thể phủ nhận nữa là sự ra đời của internet và sự phát triển của các mạng xã hội đã tác động mạnh mẽ đến mọi sinh hoạt của con người, trong đó có cả phương thức đọc, thói quen tìm hiểu học hỏi tri thức thông qua đọc sách. Văn hóa đọc truyền thống đang bị lấn át bởi xu thế sử dụng internet và các phương tiện nghe, nhìn.
Hội sách Hà Nội 2022 có đủ hấp dẫn người yêu sách?
Phát triển văn hóa đọc thời kỳ nào cũng được coi là cần thiết, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay. Song để văn hóa đọc phát triển sâu rộng, giới chuyên gia cho hay, cần phải thúc đẩy đồng bộ 3 yếu tố: Thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc. Việc đọc chỉ có thể trở thành thói quen khi được lặp đi lặp lại trong một thời gian nhất định với tần suất cố định.
Nhận thức rõ vấn đề, năm 2014 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày Sách Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Từ đó hàng năm, Hội sách Hà Nội luôn thu hút đông đảo người dân yêu sách, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên; trở thành điểm hẹn văn hóa cho người yêu sách thủ đô. Tuy nhiên, 2 năm dịch bệnh khiến hoạt động này tạm ngưng.
Để nâng cao văn hóa đọc cho người dân, theo kế hoạch, Hội sách Hà Nội 2022 sẽ trở lại từ ngày 7 - 9/10 tại khu vực vườn hoa tượng đài Vua Lý Thái Tổ và khu vực Nhà Bát giác, vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng (từ tháp Hòa Phong đến đối diện tượng đài Vua Lý Thái Tổ).
Hội sách sẽ có sự tham dự của các nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị phát hành trên địa bản thành phố Hà Nội, các nhà xuất bản nước ngoài có văn phòng đại diện, đối tác xuất bản tại Việt Nam, một số cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội, đại diện một số hội, hiệp hội, tổ chức xuất bản trong khu vực và thế giới…
Năm nay hội sách trở lại với một số thay đổi. Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - cho biết: “Từ kinh nghiệm tổ chức hội sách những năm trước đây, dù diễn ra vào tháng 10 nhưng thời tiết Hà Nội vẫn còn nắng nóng. Việc thay đổi địa điểm tổ chức hội sách sang phố đi bộ nhằm giúp người dân, du khách dễ dàng tham gia. Đặc biệt đây là không gian mở với nhiều cây xanh, bóng mát sẽ tạo cảnh quan thuận lợi cho không gian văn hóa đọc, giúp các đơn vị xuất bản, phát hành sách tổ chức tốt hơn hoạt động giao lưu, tọa đàm với các nhà văn, độc giả, trưng bày và giới thiệu sách tới đông đảo bạn đọc".
Trong thời gian diễn ra Hội sách Hà Nội 2022, độc giả có cơ hội được tham gia nhiều hoạt động giao lưu giữa người làm sách, tác giả với độc giả, hoạt động phát triển văn hóa đọc.
Các hoạt động chính của hội sách bao gồm: Trưng bày, triển lãm sách với chủ đề “Truyền thống và Hội nhập”, các khu vực giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành (dự kiến sẽ có khoảng 200-250 gian hàng tiêu chuẩn), tổ chức giao lưu ra mắt sách, hoạt động giao dịch và trao đổi bản quyền, các chương trình giao lưu văn hóa, các cuộc thi và hoạt động bên lề khác…
Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022), 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành (10/10), 55 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (8/8).
Đáng nhấn mạnh hơn, hội sách còn là hoạt động tạo không gian văn hóa, khuyến khích thói quen đọc sách và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, hướng tới xây dựng xã hội học tập, góp phần hỗ trợ các đơn vị xuất bản, phát hành sách vượt qua những khó khăn do Covid-19.
Tuy nhiên, để hội sách thu hút du khách, nhiều ý kiến cho rằng, nhà sách tham gia cần có tựa sách mới, phong phú về thể loại, có giá trị tư tưởng và mang lại thích thú cho người đọc.