Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) được ví như là "chân phanh, chân ga" và là vắc-xin bảo vệ DN trước các rủi ro. Ông có chia sẻ nào về vai trò của VHDN trước tác động của đại dịch trong hai năm qua?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội |
Như chúng ta đã thấy, Đảng, Nhà nước luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững quốc gia, dân tộc. VHDN chính là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, VHDN là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong DN. Những giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, văn hóa giao tiếp và ứng xử trong DN, phong cách lãnh đạo và phương thức quản trị DN sẽ quyết định hiệu quả kinh doanh, tạo nên uy tín, thương hiệu của DN, từ đó dẫn tới sự phát triển ổn định, bền vững cho DN.
Trong giai đoạn hội nhập, với sự chuyển đổi, nếu không tạo dựng được VHDN, DN sẽ không thể cạnh tranh, phát triển. Còn ở giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, VHDN chính là sức mạnh của mỗi DN cụ thể cũng như cả nền kinh tế để chống chịu vượt khó khăn, tạo lập hình ảnh cho DN trước các xáo trộn, khủng hoảng của thị trường. Câu chuyện về người lao động trước biến cố Covid-19 quyết định hồi hương hay gắn bó với DN đã chứng minh và thể hiện rõ vai trò của VHDN chính là keo gắn kết người lao động và DN. Khi phục hồi kinh tế, chất keo này sẽ tạo sức bật mới cho DN.
Với ý nghĩa, vai trò quan trọng của VHDN, ông có đánh giá nào về thực trạng VHDN trong nước hiện nay?
Cùng với sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế, DN trong nước cũng đã ý thức về xây dựng VHDN. Nhiều DN đã xây dựng được VHDN rất rõ nét và đạt được mức độ nhất định; khẳng định được bản sắc và thương hiệu trên thương trường, đơn cử như các DN lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông, bất động sản. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều DN khác chưa nhận thấy tầm quan trọng của VHDN. Thậm chí, trước tác động của Covid-19, VHDN đã bị đứt gãy, nhiều DN bộc lộ những điểm hạn chế về VHDN thể hiện qua khả năng sáng tạo, ứng biến trong kinh doanh, năng lực quản trị DN, nhất là quản trị nhân lực khi DN thiếu sự quan tâm, chưa coi người lao động là một phần của DN, là thành viên trên một con thuyền.
VHDN chính là sức mạnh của mỗi doanh nghiệp |
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng, những hạn chế về VHDN trên cần được cải thiện và bản thân mỗi DN phải nhận thức rằng, việc thúc đẩy xây dựng lan tỏa tinh thần, giá trị của VHDN là vô cùng quan trọng, bởi đây là yếu tố sẽ tạo ra dấu ấn, sức mạnh của DN, cũng như tạo dựng chỗ đứng vững vàng của nền kinh tế đất nước trên thị trường thế giới. Trước mắt, giải pháp cần triển khai đối với xây dựng VHDN đó là cải thiện nhận thức của lãnh đạo DN về vai trò, tác động của VHDN đối với sự phát triển bền vững của DN. Khi người lãnh đạo nhận thức tốt về VHDN, chắc chắn sẽ có sự quan tâm, đầu tư tốt cho VHDN.
Bên cạnh sự thay đổi từ DN, giai đoạn tới, chúng ta cũng rất cần cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích DN hướng tới đạt chuẩn VHDN Việt Nam.Ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?
Xây dựng văn hóa trong kinh tế là vấn đề được Đảng, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Trong giai đoạn tới, chủ trương này cần tiếp tục được thúc đẩy nhằm tạo sức mạnh, sức bật mới để DN và nền kinh tế phục hồi sau tác động tiêu cực của dịch bệnh và phát triển bền vững, ổn định. Theo đó, ngoài thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển VHDN, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, quan tâm đến DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh; tạo điều kiện để DN tiếp thu văn hóa, các giá trị tinh hoa của thế giới tích cực, hiệu quả. Qua đó, vừa giúp DN có sự quản trị tốt hơn, cắt giảm chi phí vận hành, cải thiện năng lực cạnh tranh; vừa giữ gìn bản sắc, uy tín, thương hiệu của DN Việt cũng như nền kinh tế đất nước.
Xin cảm ơn ông!