Đó là nội dung xuyên suốt được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp – Văn hóa kinh doanh vì sự phát triển bền vững” do Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức sáng 29/12. Sự kiện nhằm hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện công tác tuyên truyền về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong ngành đồ uống Việt Nam.
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp – Văn hóa kinh doanh vì sự phát triển bền vững” |
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Chương – Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam khẳng định, ta đã có hàng trăm năm xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp chính là cốt lõi để doanh nghiệp phát triển bền vững.
TS Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của xã hội và chúng ta đều phải ủng hộ, cổ vũ cho văn hóa doanh nghiệp.
“Nếu ở Hồng Kông, bình quân một người trưởng thành có 1,4 doanh nghiệp, tức là việc kinh doanh phát triển rất tốt thì tỷ lệ ở Việt Nam còn rất nhỏ, cho nên chúng ta phải khuyến khích có càng nhiều doanh nghiệp/người dân càng tốt. Đồng thời, văn hóa doanh nghiệp phải hướng đến việc phải tôn trọng người tiêu dùng, nhấn mạnh đến tính xã hội và bảo vệ môi trường” – TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh. Đồng thời chia sẻ, hiện nay tốc độ tăng trưởng GDP tỷ lệ nghịch với việc phát triển môi trường, việc kinh doanh càng phát triển thì diện tích rừng càng thu hẹp. Đó là điều cần phải thay đổi, phải sao vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Đối với các doanh nghiệp ngành đồ uống, cần phải có trách nhiệm với người tiêu dùng. Không phải sản xuất ra mà khuyến khích uống nhiều mà phải hướng tới việc uống có trách nhiệm. Ngoài ra, trong bối cảnh tỷ lệ trẻ em uống bia rượu đang ngày càng trẻ hóa, doanh nghiệp rượu bia cần có tiếng nói lên tiếng việc không ủng hộ tình trạng này để bảo vệ trẻ em.
“Hiện nay, nhiều người cho rằng việc sử dụng rượu bia đồng nghĩa với độ thân thiết và nhiệt tình với mối quan hệ. Tôi cho rằng không nên có sự nhầm lẫn này. Không có nghĩa cứ uống nhiều rượu bia là vui, là thân thiết, là tình bạn” – TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Đồng ý kiến, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đất nước càng phát triển càng đặt vấn đề văn hóa doanh nghiệp lên cao. Với doanh nghiệp, giai đoạn khởi nghiệp, mục tiêu là làm sao bán được nhiều sản phẩm thì đến giai đoạn phát triển sau này, quan trọng là hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Dưới góc độ thực tế doanh nghiệp, bà Đinh Nguyễn Thị Hường, Giám đốc truyền thông Tổng công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho biết, năm 2021 là thời điểm khó khăn nhất do Covid-19. SABECO cho rằng, khi đất nước chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người tiêu dùng đã hỗ trợ rất lớn cho việc kinh doanh của SABECO và dịch bệnh chính là thời điểm SABECO chung tay với người tiêu dùng và đất nước để chia sẻ khó khăn. Do đó, những hoạt động trọng tâm trong năm 2021 là hướng về hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, những người thuộc tuyến đầu trong tham gia chống dịch.
Theo đó, từ tháng 9 đến tháng 12, SABECO đã thực hiện các chương trình hỗ trợ vé máy bay, vé tàu cho lực lượng y bác sỹ, công nhân, sinh viên chống dịch về quê ăn Tết. Vào tháng 8 trước đó, SABECO cũng triển khai chương trình "Góp Triệu Ngôi Sao" gây quỹ hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ tại TP Hồ Chí Minh.
“Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp của SABECO được triển khai bằng cách không chỉ quan tâm đến kinh doanh mà còn nhiều hoạt động đặc biệt vì cộng đồng” – bà Hường nhấn mạnh.
Góp một quan điểm cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bà Đặng Thanh Vân – chuyên gia xây dựng Thương hiệu khẳng định, ở bất cứ quy mô nào, văn hóa đều có sự tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, để xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp cần thay đổi quan điểm triết lý của doanh nghiệp với vai trò làm gương của lãnh đạo. Văn hóa doanh nghiệp cần hướng tới các gái trị về tốc độ, hiệu quả, hiệu suất kinh doanh.
Bên cạnh đó, văn hóa dù là vấn đề nội bộ nhưng sau khi thái độ, niềm tin, hành vi đó được công nhận thì sẽ lan tỏa ra bên ngoài. Do đó, nó ảnh hưởng rất rõ đến khách hàng và hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp. Ngoài ra, phụ nữ là tệp khách hàng quan trọng đối với ngành rượu bia nước giải khát. Đây là nhóm khách hàng quan trọng cần được quan tâm vì sẽ tạo ra sự đổi mới với ngành rượu bia nước giải khát.
Khẳng định văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu, ông Nguyễn Văn Chương cho rằng, văn hóa doanh nghiệp mang yếu tố quyết định sự phát triển trường tồn của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Quan trọng hơn, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ phản ánh tốt hơn vai trò của ngành trong quá trình phát triển kinh tế xã hội đất nước.