Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu trách nhiệm trước thực trạng môi trường |
Trong chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, chiều ngày 6/11, đại biểu Dương Xuân Hòa - Lạng Sơn đặt câu hỏi: Nghị quyết số 63 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV và báo cáo số 94 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có nêu: "Giải quyết dứt điểm, kịp thời các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài liên quan đến đất đai". Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nội dung này như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên chất vấn chiều 6/11 |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện những vấn đề khiếu nại, tố cáo là một vấn đề bức xúc trong một thời kỳ khá dài, như đã nêu chỉ số liên quan đến bức xúc và khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn ở con số cao nhất, khoảng trên 60%.
Với thực trạng trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu, nguyên nhân các khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chủ yếu liên quan đến trước giai đoạn sửa luật (Luật Đất đai 2013). Khi đó quy trình về giải phóng mặt bằng, bồi thường chưa được hoàn thiện, do đó làm nảy sinh nhiều khiếu kiện. Cụ thể liên quan đến vấn đề định giá, liên quan đến các trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tái định cư chưa đáp ứng thỏa đáng. Nhóm này tập trung vào khu vực mà Nhà nước thu đất đai để thực hiện các công trình kinh tế - xã hội, dân sinh, đây là vấn đề lớn.
“Chúng tôi khẳng định Luật 2013 vẫn còn nhiều tồn tại, nhưng đến nay đã giảm 30-40%, các vụ tranh chấp chủ yếu là trước năm 2013” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đồng thời cho hay các vụ việc hiện nay tập trung liên quan đến tranh chấp đất đai, nông, lâm trường do cơ sở dữ liệu, tài liệu lỏng lẻo, các công ty nông lâm ngư trường chưa được giám sát chặt chẽ.
“Việc này hiện nay chúng tôi cũng đã xác định bằng nghị quyết cũng như nghị định của Chính phủ đang từng bước để giải quyết thông qua việc xác lập lại cơ sở liệu, cũng như xem xét để thay đổi cơ cấu tổ chức của các nông, lâm trường, đồng thời xem xét những khu vực tranh chấp để giải quyết triệt để”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ quan điểm.
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra, một vấn về lâu dài cần phải xem xét, đặc biệt là trong hoàn thiện Luật tới đây, đó chính là kinh tế đất đai và vấn đề định giá đất đai. “Nếu chúng ta xác định được định giá đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai một cách minh bạch, đồng thời giải quyết thỏa đáng vấn đề đầu tư để nhà nước quy hoạch, chuẩn bị hạ tầng và chuẩn bị đất sạch thì khi đó chúng ta sẽ có kinh phí chuẩn bị thật tốt khâu tái định cư cũng như lo sinh kế cho người dân. Theo đó, khi giá đất đai công khai thì người dân đều hiểu và sẽ ủng hộ. Trên cơ sở này thì dự án Nhà nước thu hồi hay dự án tư nhân thu hồi cũng đều đảm bảo công bằng, thỏa đáng”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin thêm, trong giai đoạn tới, để giải quyết những vướng mắc nêu trên đòi hỏi phải đưa vào Luật Đất đai mới, cụ thể là cơ sở dữ liệu để giám sát được thị trường cũng như những phương pháp định giá trên cơ sở thị trường thông qua các sàn giao dịch và đảm bảo công khai giữa khu vực tư nhân và nhà nước.