AEC thúc đẩy hội nhập, cạnh tranh, tăng cường kết nối, hợp tác chuyên ngành, tạo ra sự cân bằng và đưa khu vực ASEAN tham gia sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Do đó, AEC là thành tựu đáng giá nhất của khu vực ASEAN, vì không chỉ bao gồm tăng trưởng kinh tế mà còn là hội nhập trên các trụ cột chính trị, xã hội và văn hóa của tất cả các quốc gia thành viên.
Các thành tựu rõ nét của AEC cho đến nay có thể thấy rõ qua xóa bỏ thuế quan đối với 99% hàng hóa được giao dịch ở các nước ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). Các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Thuế suất ở Việt Nam đã giảm xuống 0-5% trên khoảng 90% các dòng thuế và phải thực hiện nhiều hơn nữa để tận dụng triệt để tiềm năng của AEC. Các hàng rào phi thuế quan (NTBs) đối với thương mại tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực ASEAN - theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có gần 2.500 NTB hiện đang được thi hành.
Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN (EU-ABC) đã bày tỏ mối quan tâm lớn đối với các vấn đề liên quan đến NTBs trong AEC, với 5 lĩnh vực vấn đề chính, cụ thể là: hạn chế nhập khẩu; thực hành thủ tục hải quan không minh bạch và không nhất quán; yêu cầu quy định quản lý; hạn chế đầu tư và sở hữu nước ngoài; và thiếu sự công nhận lẫn nhau và hài hòa các tiêu chuẩn. Rõ ràng là sự tồn tại của NTB là một trở ngại rất lớn cho sự thành công của AEC.
Diễn đàn kinh tế thế giới cho rằng, việc giảm NTB sẽ có lợi ích lớn hơn nhiều so với việc loại bỏ thuế quan. Xóa bỏ thuế quan chỉ có thể tăng GDP toàn cầu 0,7% và thương mại tăng 14,5%, trong khi giảm NTB một nửa theo thông lệ tốt nhất toàn cầu có thể nâng GDP lên 4,7% và thương mại tăng thêm 10,1%.
Vì vậy, cần có những nỗ lực lớn hơn để tách bạch các mục tiêu chính sách công hợp pháp của các biện pháp phi thuế quan khỏi mong muốn bảo hộ lợi ích trong nước. Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã đưa ra Cổng thông tin thương mại tích hợp (I-TIP), là một cơ sở dữ liệu chi tiết tất cả các NTB trong khu vực ASEAN. Trái ngược với báo cáo của WTO, các hồ sơ lưu trữ trên I-TIP cho thấy hiện đã có gần 6.000 NTB được thực hiện trong ASEAN. Dựa trên những phát hiện của I-TIP, hơn một nửa số NTB hiện tại thuộc hai loại chính: vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS); và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT). Hơn nữa, hầu hết các biện pháp SPS được áp dụng cho các mặt hàng thực phẩm và đồ uống, trong khi hầu hết các biện pháp TBT được thực hiện trên các sản phẩm của các ngành công nghiệp hóa chất và hỗ trợ. Một số hạn chế nhập khẩu này có thể là các lý do chính đáng, chẳng hạn như an toàn công cộng hoặc an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chúng cũng có thể bị lạm dụng vì ít lý do chính đáng, đặc biệt là bảo vệ các doanh nghiệp trong nước với chi phí cạnh tranh nước ngoài.
Nghiên cứu của I-TIP cũng cho thấy ở các nước ASEAN, Thái Lan có số lượng biện pháp SPS và TBT cao nhất. Ví dụ, Thái Lan có số lượng biện pháp SPS gấp khoảng 20 lần so với Campuchia và Lào, và gấp 15 lần số biện pháp TBT so với Myanmar. Những khác biệt này gây trở ngại đáng kể cho sự tăng trưởng của các quốc gia CMLV. Ngoài ra, trên phạm vi toàn cầu, Thái Lan chiếm khoảng 40% các biện pháp SPS hiện có trên thế giới và 20% các biện pháp TBT. Chính lập trường cứng rắn như vậy đối với hàng nhập khẩu, cả thương mại tự do nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài đều bị cản trở nghiêm trọng. Rõ ràng là sự gia tăng của các NTB trong khu vực ASEAN là một trở ngại rất lớn để đạt được các mục tiêu của AEC 2025.
Vấn đề này cũng đã được nhấn mạnh trong một báo cáo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) về NTBs trong ASEAN. Theo đó, bất chấp những nỗ lực trước đây của Nhóm đặc trách cấp cao ASEAN về hội nhập kinh tế năm 2004 và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN năm 2009, đã có những tiến bộ hạn chế trong việc loại bỏ NTBs. Do đó, sự tồn tại liên tục của NTBs trong ASEAN là một vấn đề cấp bách phải được giải quyết trước khi khu vực có thể tận dụng lợi ích của AEC. ASEAN cần phải tăng cường các biện pháp hợp tác và minh bạch trong nội khối, để các quốc gia có thể hợp tác giải quyết vấn đề NTBs. Cơ sở dữ liệu I-TIP có thể được sử dụng để hỗ trợ những nỗ lực đó, vì hiện tại cơ sở này lưu giữ thông tin cập nhật và toàn diện nhất về các NTB trong khu vực ASEAN. Các tổ chức tư nhân và khu vực công nên sử dụng cơ sở dữ liệu I-TIP, vì nhận thức rõ hơn về vấn đề NTB sẽ gây áp lực lên các cơ quan hữu quan để hành động và khắc phục tình hình.