Bà Vàng Thị Mai - Chủ nhiệm HTX Lanh Hợp Tiến
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ sự “thấp thỏm” vừa ăn bánh mì chống đói, vừa nghển cổ tìm xe. Khi biết mục đích của chúng tôi, chị bán hàng nhanh nhẹn nói “cô, chú trông hàng nhé, tôi chạy ra bắt xe cho”. Cảm giác ấm áp len lỏi trong lòng chúng tôi, chị ấy thật tốt.
Trải qua vài giờ trên con đường hạnh phúc, quả thực tôi không hề thấy hạnh phúc khi hoa mắt, chóng mặt vì xe lắc đảo. Con đường ngoằn nghoèo với những khúc cua liên tiếp, một bên là vách núi, một bên là vực thăm thẳm khiến chúng tôi sợ toát mồ hôi. Tới Quản Bạ, dưới sự giúp đỡ của đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện chúng tôi lại nhanh chóng chuyển phương tiện cùng với cán bộ phòng Công Thương về xã Lùng Tám - một địa danh nổi tiếng với nghề dệt lanh truyền thống. Chặng đường dài hơn 10 cây số, chiếc xe máy luôn cài số 2 ì ạch hết leo dốc lại đổ đèo, chúng tôi lạnh cứng cả tay chân.
“Làm nhà báo thích nhỉ, được đi đây đi đó”, “nhà báo nữ đi công tác nhiều như thế gia đình, con cái để cho ai” - anh cán bộ trẻ thắc mắc. Rồi câu chuyện chuyển dần sang chuyện nghề, chuyện người. Anh nói - mặc dù công tác tại phòng Công Thương của huyện nhưng anh, em không khác gì cán bộ cắm bản. Có những đề án khuyến công hay lớp đào tạo nghề hỗ trợ cho bà con tại vùng sâu, vùng xa như Mù Cang Chải hay Xín Mần… có khi cả tháng anh em mới được về nhà. Rồi vài ngày lại dọc ngang theo đoàn đưa hàng hóa về phục vụ bà con bản xa, giáp biên giới Trung Quốc. Công việc cứ thế bộn bề, người theo việc cứ thế đi xa.
Cuốn theo câu chuyện của anh, chúng tôi đến Lùng Tám vừa vặn được chứng kiến vạt nắng hiếm hoi chiều cuối đông nhuốm vàng thôn xóm. Nở nụ cười hồn hậu, chất phác bà Vàng Thị Mai - chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) lanh Hợp Tiến chào đón chúng tôi. Bà đưa chúng tôi đi xem dãy nhà sản xuất của htx, xem khu thiết kế, cắt may sản phẩm, nói cho chúng tôi biết quy trình từ trồng lanh cho đến sản xuất ra sản phẩm…
Nếu không được tận mắt chứng kiến, chúng tôi thật khó có thể tưởng tượng chỉ với vài khúc gỗ, vài cây gậy mảnh người phụ nữ Mông tại Lùng Tám có thể nhanh chóng dựng cho mình một khung cửi. Trong tiếng lách cách thoi đưa tấm vải thô màu trắng đục dần thành hình. Vải thô sau khi dệt xong sẽ được ngâm trong nước tro, giặt đi giặt lại nhiều lần rồi dùng phiến đá trượt đi, trượt lại cho đến khi tấm vải thật nhẵn, mịn. Một tấm vải được đánh giá là đẹp phải hội tụ đủ các tiêu chí nhẵn, sợi nhỏ đều, bền màu và màu sắc luôn giữ được độ tươi mới.
Đang triền miên với câu chuyện về lanh, chúng tôi đã phải bật cười trước sự ví von của bà Mai: “Lanh gắn bó với người dân tộc Mông giống như hai vợ chồng. Có bộ quần áo lanh mặc trên người như có máy điều hòa nhiệt độ ấm về mùa đông, mát về mùa hè”. Thế nhưng, lời tiếp theo của bà lại khiến chúng tôi cảm động: “Người dân tộc Mông tuy nghèo về vật chất nhưng rất giàu tình cảm. Tất cả những tình cảm đó được người phụ nữ thể hiện trên họa tiết sản phẩm làm từ lanh”. Bà chỉ cho chúng tôi, chiếc vỏ gối được trang trí bởi bốn họa tiết hình vuông ghép với nhau biểu tượng cho gia đình bốn thế hệ: Cụ, ông bà, bố mẹ, con cháu. Những chiếc khăn thêu họa tiết hai hình vuông biểu hiện cho tình cảm khăng khít của vợ chồng… Cứ thế, bà Mai đưa chúng tôi chìm vào một thế giới đầy màu sắc mà ấm áp tình người.
Có lẽ, chính sự bền bỉ, chịu thương, chịu khó tận dụng từng khoảng thời gian nhàn rỗi và tình nghĩa sâu nặng trong mỗi tấm vải lanh của người phụ nữ Mông mà sản phẩm dệt lanh truyền thống của Lùng Tám thu hút sự quan tâm của không ít khách nước ngoài. Sản phẩm làm từ lanh của HTX hiện được khách hàng Nhật Bản, Canada, Pháp… rất quan tâm.
Hơi khó tin là cảm giác của chúng tôi khi nghe bà Mai kể về phương thức đặt hàng, giao hàng và thanh toán với khách nước ngoài. Rất đơn giản, thậm chí không cần đặt cọc, không cần tới nơi kiểm tra chất lượng… sản phẩm dệt lanh của Lùng Tám cứ hồn nhiên như vậy mà đi khắp thế giới.
Sau bao năm lăn lộn đưa sản phẩm dệt lanh của Lùng Tám đi giới thiệu khắp nơi, bà Mai hiện khá nhẹ nhõm khi đã tạo được một nhóm khách hàng “ruột” cho cơ sở của mình. Ánh mắt bà lấp lánh khi nói với chúng tôi về kế hoạch mở rộng HTX, xây nhà xưởng, dựng nhà bằng tường truyền thống của người Mông làm nơi giới thiệu sản phẩm. Có lẽ tương lai không xa, sản phẩm dệt lanh truyền thống của Lùng Tám sẽ vượt núi cao chót vót tiếp tục tiến ra thế giới rộng lớn hơn.
Kết thúc câu chuyện với bà Mai, chúng tôi vội rời Lùng Tám, chiếc xe lạị tiếp tục ngược đèo về thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ) nhằm thỏa mãn trí tò mò về mô hình trồng và chế biến cây dược liệu của bà con nơi đây.
Dẫn đường cho chúng tôi, anh cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ cho biết: HTX cộng đồng Nặm Đăm là mô hình tiên phong về trồng trọt, chế biến dược liệu kết hợp với hoạt động du lịch của Cao nguyên đá Đồng Văn.
Giọng nói vui vẻ xen lẫn tự hào, ông Lý Tà Rèn- Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX - cho biết, chúng tôi đã hoàn thiện kế hoạch, lựa chọn vùng trồng dược liệu, địa điểm và xây dựng được hệ thống nhà văn phòng, xưởng chế biến thuốc tắm, hệ thống nhà tắm với 6 phòng tắm; xây dựng vườn ươm và ươm thành công hạt giống đương quy, bạch chỉ, đẳng sâm. Đặc biệt, HTX đã tiến hành trồng thử nghiệm 1,5 ha cây đương quy và bạch chỉ, hiệu quả đạt tương đối tốt.
Để chuẩn bị cho dịch vụ tắm thuốc, các thành viên của HTX được tham gia khóa tập huấn nấu ăn, xoa bóp, bấm huyệt, bốc thuốc nam... Các chuyên gia dược khoa đánh giá thị trường, nghiên cứu hoàn thiện một số sản phẩm trà thanh nhiệt, trà giải độc từ các thầy thuốc địa phương. Từ đó thương mại hóa sản phẩm và chia sẻ lợi ích đồng đều giữa HTX và người cung cấp, nghiên cứu bài thuốc.
Trên đường về chúng tôi ghé thăm mô hình Homestay - một mô hình du lịch đầy hứa hẹn. Ông Lý Đại Duyên - người tiên phong thực hiện mô hình này - cho biết, năm đầu đi vào hoạt động, Nặm Đăm đã thu hút được 500 du khách, trong đó, phần lớn là khách du lịch nước ngoài. “Vui rồi, khách về đông thì thu nhập của bà con cao hơn làm nông nghiệp nhiều, phải nhân rộng hơn nữa chứ. Rồi đây có cây thuốc, có du lịch người dân Nặm Đăm sẽ không còn nghèo nữa” - ông Lý Đại Duyên vui vẻ nói.
Chúng tôi rời Quản Bạ trên chuyến xe “vét” cuối cùng trong ngày, để lên được chuyến xe này, anh cán bộ trẻ phải chạy đôn, chạy đáo hỏi han, nhờ vả để lái xe nhiệt tình chờ chúng tôi tới hơn nửa giờ. Sự nhiệt tình, tốt bụng của anh cán bộ trẻ và người dân nơi đây đã giúp chúng tôi thấy ấm áp hơn trong cái rét buốt của chiều tối cuối đông vùng cao. |