Ngày Noel - Giáng sinh bắt đầu từ đêm 24/12 đến hết 25/12 Người dân TP. Hồ Chí Minh nô nức check-in Giáng sinh sớm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng Giáng sinh Tổng Giáo phận Huế |
Vào những ngày này, không chỉ riêng các nước theo Thiên Chúa giáo (Ki-tô giáo) mà nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ đều nhộn nhịp trong không khí đón Noel hay Lễ Giáng sinh.
Lễ Giáng sinh dần dần đã được quốc tế hóa với nhiều hoạt động gắn liền với hình tượng ông già Noel, cây thông và các món quà Giáng sinh kèm lời chúc mừng an lành, hạnh phúc. |
Noel - Lễ Giáng sinh là ngày Chúa Jesus được sinh ra tại Bethlehem, xứ Judea, nước Do Thái cổ đại. Theo đức tin của những người theo tôn giáo Thiên Chúa hay Ki-tô giáo, đây được coi là một dấu mốc trang trọng, thiêng liêng. Bởi đó chính là ngày Con của Đức Chúa trời giáng thế trong hình hài một người bình thường để cứu rỗi cho nhân loại.
Noel hay XMas nghĩa là gì?
Chúng ta có thể thấy trong các tin nhắn, thiếp chúc mừng, các vật phẩm trang trí trong dịp lễ này đều có cụm từ Christmas, Xmas hay Noel. Vậy cụm từ này có ý nghĩa như thế nào?
Noel được viết tắt theo nghĩa gốc trong Kinh Thánh của Ki-tô giáo là Emmanuel (Thiên chúa ở cùng chúng ta). Còn từ Christmas được ghép bởi 2 từ là "Christ" (tước vị của chúa Jesus) và "Mas" (Viết tắt của mass nghĩa là thánh lễ). Vì vậy, Christmas có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ và là ngày lễ Giáng sinh của Đức Chúa Jesus.
Trong tiếng Hy Lạp, chữ Christ được viết là Christos, Xristos hoặc Xpiơtós nên phụ âm X mang ý nghĩa tượng trưng cho từ Xristos và Xpiơtós và thêm chữ "Mas" vào để tạo thành Xmas. Vì thế, từ Xmas cũng giống như Christmas.
Ý nghĩa của ngày Giáng sinh
Lễ Giáng sinh ban đầu chỉ được coi là của riêng những người theo đạo Ki-tô giáo. Tuy nhiên, theo thời gian lễ Giáng sinh ngày càng được tổ chức long trọng, đặc biệt ở các nước phương Tây. Đây cũng chính là dịp để các nhà kinh doanh trên khắp thế giới tung ra nhiều hình thức khuyến mại, thu hút người tiêu dùng. Chính vì thế, dần dần lễ Giáng sinh được quốc tế hóa với nhiều hoạt động gắn liền với hình tượng ông già Noel, cây thông và các món quà Giáng sinh kèm lời chúc mừng an lành, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, ở nhiều nước trên thế giới, lễ Giáng sinh còn là một kỳ nghỉ dành cho sum họp gia đình, cùng tham gia các hoạt động tôn giáo hoặc vui chơi đón mừng năm mới.
Bữa ăn đêm Noel hay còn gọi là Réveillon tại nhiều quốc gia có tín ngưỡng Ki-tô cũng quan trọng và có ý nghĩa ấm áp, thiêng liêng như bữa cơm tất niên chiều 30 Tết ở Việt Nam.
Lễ Giáng sinh đúng vào ngày 24 hay 25/12?
Tất cả mọi năm, Lễ Giáng sinh sẽ diễn ra vào đêm ngày 24/12 đến hết ngày 25/12 theo Dương lịch.
Theo đó, ngày 25/12 gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24/12 gọi là “lễ vọng”. Vậy tại sao một sự kiện lại được cử hành trong 2 ngày? Lý do bắt nguồn từ quan niệm của người Do Thái cổ cho rằng ngày mới sẽ bắt đầu từ lúc hoàng hôn. Vì thế lễ Giáng sinh được tổ chức từ tối ngày 24 trước khi bắt đầu làm lễ chính thức trong cả ngày 25/12.
Cho đến nay, chưa có một bằng chứng thuyết phục nào về việc Chúa Jesus sinh ra đúng ngày 25/12. Chỉ biết rằng, Ngài được sinh ra ở máng cỏ của chuồng gia súc trong một đêm mùa đông giá lạnh. Tuy nhiên, vẫn nhiều người tin rằng, 25/12 mới chính xác là ngày Chúa Jesus ra đời nên đây mới chính là ngày Giáng sinh chính thức.
Theo Công giáo La mã, đêm 24/12 hàng năm sẽ là thời điểm “lễ vọng”. Vào thời gian này, ở thánh đường hay tại các gia đình đều trang trí hang đá với máng cỏ, bên trong đặt tượng chúa Hài đồng tượng Đức mẹ Maria và xung quanh là những chú lừa, tượng Ba Vua, một số thiên thần,...
Cần biết thêm rằng, khi mới hình thành, Ki-tô giáo bị chính quyền La mã lúc đó đàn áp rất khốc liệt. Do vậy, các tín đồ chọn ngày 25/12 để tổ chức lễ Giáng sinh trùng với ngày lễ “Thần Mặt trời” của người La Mã để tránh bị trừng phạt.
Vào năm 312 sau Công nguyên, Hoàng đế La Mã Constantine I từ bỏ đa thần giáo để theo Ki-tô giáo; đồng thời ban lệnh hủy bỏ lễ thờ Thần Mặt trời. Từ đó, các tín đồ Ki-tô giáo được công khai mừng Giáng sinh của Chúa Jesus vào ngày 25/12 hàng năm. Nhưng phải đến năm 354 sau Công nguyên, Giáo hoàng Libero của La mã mới chính thức chọn ngày 25/12 là ngày cử hành lễ Giáng sinh.
Các biểu tượng trong ngày lễ Giáng sinh mang ý nghĩa gì?
Vòng lá mùa vọng (Advent ring)
Hình tròn của vòng lá thể hiện sự sống vĩnh hằng cũng như tình yêu thương vô tận của Chúa Jesus. Màu xanh tượng trưng cho hy vọng Đấng cứu thế sẽ cứu rỗi cho con người được bình an, hạnh phúc.
Cây thông Noel
Theo truyền thuyết, vào cuối thế kỷ thứ VII sau Công nguyên, Thánh Boniface đang trên đường hành hương đã giải cứu một đứa trẻ đang bị hiến tế bởi một nhóm người ngoại đạo. Và từ hành động nhân ái của Ngài, tại nơi diễn ra sự kiện này đã mọc ngay một cây thông nhỏ. Thánh Boniface nói với những người ngoại đạo rằng, cây thông nhỏ này là cây của sự sống và tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế. Chính vì vậy, dịp Lễ Giáng sinh người ta dùng cây thông trang trí với ý nghĩa của sức sống mới và những niềm hy vọng, xua đuổi ma quỷ, tà ác. Điều này cũng tương tự như niềm tin của người Việt Nam trang trí Tết bằng cây hoa đào, quất.
Ngoài ra, theo nhiều truyền thuyết khác, từ khi đạo Ki-tô giáo chưa ra đời, đặc biệt là ở các quốc gia phương Bắc, những loài cây có màu xanh quanh năm như cây thông thường mang ý nghĩa rất đặc biệt với con người trong mùa đông ảm đạm, giá rét kéo dài. Cây thông được chọn cho lễ Giáng sinh cũng chính vì niềm tin rằng, sắc xanh tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, giúp xua đuổi rủi ro, bệnh tật.
Ngôi sao Giáng sinh
Trong dịp lễ Giáng sinh, người ta thường treo một ngôi sao ở vị trí trang trọng nhất tại các cơ sở tôn giáo. Bởi theo truyền thuyết, vào thời khắc chào đời của Chúa, trên bầu trời đã xuất hiện một ngôi sao tỏa ánh sáng rực rỡ dẫn đường cho 3 vị vua tìm đến nơi Chúa ra đời.
Thiệp Giáng sinh
Vào năm 1843, Henry Cole (1808 - 1882), một thương gia giàu có của nước Anh, đã nhờ John Callcott Horsley (1817 - 1903), một họa sĩ ở Luân Đôn, thiết kế một tấm thiệp thật đẹp để tặng bạn bè. Kết quả Horsley đã trình làng tấm thiệp Giáng sinh đầu tiên trên thế giới và nó được in hàng ngàn bản. Thiệp Giáng sinh nhanh chóng trở thành mốt thịnh hành ở Anh và tiếp đến là nhiều quốc gia khác sau đó.