Tận dụng tốt các FTA/EPA sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của DN |
Ông Nguyễn Quang Phúc - Đại diện Cục xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết quy định về quy tắc xuất xứ trong các FTA/ EPA đóng vai trò quan trọng, vì đây là cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu có đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan hay không. Mặt khác, quy định về quy tắc xuất xứ còn nhằm đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa "thuận lợi hoá thương mại" và "chống gian lận thương mại." Đồng thời, các quy tắc trên là công cụ đo mức độ thụ hưởng và tận dụng ưu đãi tại các bên là thành viên tham gia FTA. Việc thỏa mãn quy định về quy tắc xuất xứ, được hưởng thuế quan ưu đãi, từ đó kích thích hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong hai năm 2013- 2014 mới chỉ có C/O ưu đãi xuất khẩu sang Hàn Quốc tận dụng với tỉ lệ tương đối cao là 84,4% vào năm 2013 và 85% năm 2014. Còn lại, tỉ lệ sử dụng C/O ưu đãi của DN sang các nước ASEAN năm 2013 mới chỉ đạt 29%, sang năm 2014 giảm còn 25%; tỉ lệ tận dụng C/O ưu đãi sang Trung Quốc năm 2013 là 35,9%, năm 2014 là 33%; sang Nhật Bản năm 2013 là 35,8%, năm 2014 là 33,7%...
Bà Atsuko Fukagawa - Phó Giám đốc điều hành Văn phòng đại diện Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM - cho biết nhận thức về FTA/EPA của các DN tại Việt Nam còn thấp, thiếu chủ động và chưa có tính kết nối. Nhiều DN Nhật không nắm rõ lợi thế gì, phải làm gì để được hưởng. Ngay cả một số ngành lợi thế khá rõ của Việt Nam trong EPA là dệt may, CNTT, nông nghiệp… cũng được các nhà đầu tư Nhật Bản nhìn nhận là chưa rõ tính ưu tiên nên vẫn đang nghiên cứu.
Theo khảo sát hiện trạng DN Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2014 của JETRO, tỉ lệ vận dụng FTA/EPA của các DN Nhật Bản tại Việt Nam đạt 36%, kém xa so với các quốc gia Đông Nam Á lân cận như Indonesia (58,2%), Thái Lan (53,7%), Malaysia (48,9%).
Theo nhận định của các chuyên gia, việc tận dụng các FTA/EPA có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các DN cũng như việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên. Điển hình như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng dệt may cho Việt Nam mà quy tắc Yarn Forward (từ chỉ, vải, nhuộm cắt may đều phải được thực hiện từ các nước thành viên để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định) của TPP cũng đã mang tới cho Việt Nam làn sóng đầu tư mạnh vào lĩnh vực chỉ, vải nhuộm từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Vì thế để thực thi có hiệu quả, vận dụng tốt các ưu thế từ các FTA/EPA, các DN phải đáp ứng được một số thủ tục, trong đó thủ tục quan trọng nhất là chứng nhận xuất xứ. Thỏa mãn được quy tắc xuất xứ ưu đãi DN sẽ được cấp C/O ưu đãi, được hưởng thuế quan ưu đãi qua đó kích thích được sản xuất, xuất khẩu.