Những giải pháp ngắn hạn đầu tiên sắp được triển khai
Trước những biến động giảm rất mạnh trên thị trường chứng khoán (thị trường chứng khoán) trong những phiên giao dịch gần đây, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) đã chủ trì tổ chức buổi họp với Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và 23 công ty chứng khoán (công ty chứng khoán) thành viên dẫn đầu thị trường về vốn, thị phần môi giới chứng khoán để nhận định, đánh giá tình hình thị trường chứng khoán và đề xuất các giải pháp nhằm sớm ổn định lại thị trường chứng khoán.
Qua ghi nhận tại cuộc họp, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các công ty chứng khoán đều đồng quan điểm cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ xu thế giảm điểm của thị trường chứng khoán thế giới và một số nguyên nhân trong nước. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì.
Qua lắng nghe, tiếp thu, phân tích một số ý kiến đề xuất của các các đơn vị tham gia cuộc họp và công ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã đề xuất Lãnh đạo Bộ Tài chính một số giải pháp trước mắt và đã được Bộ chấp thuận chủ trương, đồng thời yêu cầu triển khai kịp thời.
Thông tin từ lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết, Ủy ban sẽ giao VNX chỉ đạo HNX và HOSE đưa ra các cảnh báo, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin khi các mã chứng khoán có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn từ 5 đến 10 phiên.
“Trước mắt, Ủy ban yêu cầu các VNX chỉ đạo HOSE và HNX thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Trong thời gian tới, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ trình Bộ để sửa đổi, bổ sung Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán” – đại diện Lãnh đạo Ủy ban chứng khoán nhà nước thông tin.
Cùng với đó, để hạn chế khả năng tác động giá từ thị trường chứng khoán phái sinh lên thị trường chứng khoán cơ sở, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã chấp thuận cho VSD ban hành Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh. Trong đó, một trong những điểm mới của quy chế này là điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Theo đó, giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa) sau khi đã loại trừ đi 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục, thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây.
“Việc tính giá thanh toán cuối cùng theo phương pháp nêu trên sẽ được VSD áp dụng sau khi Sở giao dịch hoàn tất điều chỉnh thông tin hợp đồng mẫu và công bố tối thiểu sau 7 ngày làm việc theo quy định hiện hành” - Lãnh đạo Ủy ban chứng khoán nhà nước cho hay.
Ưu tiên giải pháp ngắn hạn, kiên định mục tiêu dài hạn
Trao đổi với báo chí mới đây, Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang đặc biệt ưu tiên nhiều giải pháp ngắn hạn để ổn định thị trường chứng khoán; đồng thời, kiên định các giải pháp trung, dài hạn để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, minh bạch.
Cơ quan quản lý tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế-chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, minh bạch.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán (kể cả Luật Chứng khoán và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành).
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán.
Quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức này để cung cấp dịch vụ minh bạch, an toàn, hiệu quả cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, qua đó lành mạnh hóa thị trường, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.
Mặt khác, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán; tăng cường vai trò giám sát các tuyến trong việc phân tích, đánh giá và chịu trách nhiệm xác định các giao dịch nghi vấn có khả năng vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán; yêu cầu công ty chứng khoán tăng cường quản lý các hội nhóm do môi giới lập; xử lý nghiêm công ty chứng khoán hỗ trợ các hoạt động thao túng chứng khoán.
Ngoài ra, hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, thi cấp phép chứng chỉ hành nghề; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động, quản lý, giám sát thị trường vốn.
Đối với dòng vốn ngoại, bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đang đẩy nhanh các giải pháp, vạch rõ lộ trình để kỳ vọng có thể rút ngắn tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra. |