Đảm bảo an toàn cho sản xuất
Trải qua trên 25 năm hoạt động, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) - tiền thân từ Cục Kiểm tra Giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp - được thành lập theo Quyết định 378/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/6/1997. Thực hiện nhiệm vụ được giao, công tác quản lý an toàn ngành Công Thương đã có những bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc phát triển ổn định, bền vững của ngành Công Thương.
Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là ưu tiên hàng đầu |
Theo đó, về công tác quản lý an toàn công nghiệp, trong quá trình xây dựng Luật An toàn, vệ sinh lao động, cùng với các bộ, ngành chuyên môn khác, đại diện cho Bộ Công Thương, Cục ATMT đã tích cực, chủ động phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ phân định rõ trách nhiệm về công tác an toàn, vệ sinh lao động; giúp công tác này đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất của các ngành, lĩnh vực chuyên môn.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương trong công tác quản lý an toàn ngành, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể như: Thông tư số 09/2017/TT-BCT ngày 13/7/2017 quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương; Thông tư số 10/2017/TT-BCT ngày 26/7/2017 ban hành quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương; Thông tư số 40/2018/TT-BCT ngày 30/10/2018 quy định về xây dựng và nội dung các tài liệu quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí; Thông tư số 53/2018/TT-BCT ngày 25/12/2018 quy định chương trình, nội dung về huấn luyện kỹ thuật an toàn đối với cơ sở kinh doanh khí; Thông tư số 37/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Các văn bản này đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an toàn cho sản xuất như công tác huấn luyện an toàn trong hoạt động kinh doanh khí, an toàn điện, an toàn trong vận chuyển sản phẩm, hàng hóa nguy hiểm. Quy định các nội dung huấn luyện an toàn, tiêu chuẩn giảng viên huấn luyện để đảm bảo chất lượng công tác huấn luyện và giao cho doanh nghiệp chủ động tổ chức thực hiện. Điều này đã giúp doanh nghiệp chủ động, phù hợp với tình hình cụ thể của đơn vị và tiết kiệm chi phí trong tổ chức huấn luyện an toàn.
Công tác kiểm định phù hợp với thực tiễn
Bên cạnh đó, công tác kiểm định trong những năm qua đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Theo đặc điểm kỹ thuật, đã phân loại các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt an toàn lao động thành 8 nhóm: Nồi hơi nhà máy điện; nồi hơi công nghiệp có áp suất trên 16 bar, bình chịu áp lực, hệ thống đường ống dẫn hơi và nước nóng; hệ thống điều chế, nạp, cấp, bình, bồn, bể chứa sản phẩm dầu khí, khí dầu mỏ (LPG, LNG, CNG), đường ống vận chuyển, phân phối khí dầu mỏ cố định bằng kim loại và đường ống công nghệ trong các công trình dầu khí trên đất liền...
Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất |
Trên cơ sở các thiết bị đã được phân nhóm, quy định cụ thể yêu cầu đối với tổ chức kiểm định để đáp ứng điều kiện theo quy định của Nghị định 44/2016/NĐ-CP; ban hành các quy trình kiểm định phù hợp với thực tiễn quản lý ngành; công tác huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định viên.
Với thực tiễn trong công tác kiểm định theo quy định truyền thống (kiểm định trên cơ sở thời gian) có nhiều vướng mắc, bất cập trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, hiện tại Cục ATMT đang xem xét việc triển khai thực hiện kiểm định trên cơ sở rủi ro (RBI) để phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở trong quản lý an toàn và sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, công tác xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ rất cần thiết. Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn ngành Công Thương, Cục ATMT luôn xác định nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, coi công tác ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn là một trong các ưu tiên hàng đầu để đảm bảo an toàn trong sản xuất ngành Công Thương.
Sau khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội ban hành, Cục ATMT đã chủ động rà soát, đề xuất và chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành gần 40 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, cụ thể: 10 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong lĩnh vực khai thác than hầm lò; 20 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp; 8 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong lĩnh vực dầu khí, khí dầu mỏ hóa lỏng; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn giúp doanh nghiệp có những căn cứ đầu tư trang thiết bị, máy móc, đảm bảo công tác an toàn đối với các lĩnh vực sản xuất ngành Công Thương.
Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn của Cục ATMT chủ trì xây dựng được doanh nghiệp ngành Công Thương và các đơn vị, tổ chức có liên quan đánh giá cao về chất lượng và sự phù hợp đối với thực tiễn sản xuất ngành và thông lệ quốc tế. |