Các địa phương đang tích cực triển khai bộ quy tắc trong hoạt động du lịch |
Lan tỏa hiệu ứng tích cực
Đời sống vật chất được cải thiện nhưng hành vi văn hóa của một bộ phận người dân lại đáng lo ngại, điều này bộc lộ rõ nét trong các hoạt động du lịch cả trong nước và quốc tế. Để chấn chỉnh tình trạng này, các bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt bằng việc ban hành các quy định, quy tắc về ứng xử văn minh trong du lịch.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho biết, ứng xử văn minh trong du lịch đang trở thành nhu cầu cấp bách của xã hội Việt Nam. Không chỉ vậy, hình ảnh của đất nước thể hiện qua hoạt động du lịch rất nhiều, qua ứng xử của người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước, trong ứng xử của người dân đối với du khách nước ngoài đến Việt Nam. Vì thế, năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chương trình nâng cao hình ảnh du khách Việt, và bước đầu tạo chuyển biến tốt trong cộng đồng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lần đầu tiên ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch (bộ quy tắc) với nhiều quy định mang tính chuẩn mực, định hướng cho các đối tượng, chủ thể tham gia hoạt động du lịch. Trong đó, quy định về những điều cần làm, không nên làm khi tham gia du lịch được cụ thể hóa đến nhiều đối tượng.
Bộ quy tắc ngay khi được ban hành đã được giới doanh nghiệp đánh giá cao, đặt nhiều kỳ vọng. Ông Nguyễn Công Hoan - Phó giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtours - bày tỏ, trước đây mỗi doanh nghiệp, mỗi đơn vị tự đề ra quy định, quy tắc riêng để khuyến cáo cho du khách những điều cần lưu ý khi đi du lịch, hay lưu ý nhân viên, hướng dẫn viên khi tổ chức tour, thuyết minh cho khách… Giờ đây, có bộ quy tắc làm khung chuẩn mực, sẽ giúp cho doanh nghiệp, địa phương đưa ra những khuyến cáo chung, phù hợp, tránh trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, hoặc không biết nên đưa điều gì vào quy tắc, quy định riêng.
Bước đầu, theo ghi nhận của giới doanh nghiệp, bộ quy tắc đã mang lại hiệu ứng tích cực. Theo Phó giám đốc Công ty lữ hành TransViet Nguyễn Tiến Đạt, mặc dù khá e ngại khi nêu ra những vấn đề nên hay không nên trong ứng xử dễ khiến khách hàng phật lòng, nhưng trong thực tế, doanh nghiệp nhận thấy du khách rất hưởng ứng. “Du khách đã chú ý hơn rất nhiều trong thực hiện các hành vi khi tham gia du lịch. Sự hợp tác của du khách khiến chất lượng các tour du lịch được nâng cao và ngược lại cũng khiến du khách hài lòng hơn”- ông Đạt cho hay.
Bền bỉ xây dựng môi trường du lịch văn minh
Theo ý kiến của nhiều đại diện doanh nghiệp du lịch, bộ quy tắc dù sao cũng chỉ mang tính khuyến cáo, định hướng, không bắt buộc phải thực hiện. Vì thế, để nâng cao tính răn đe, một số quy tắc cần được cụ thể hóa bằng các văn bản luật với chế tài xử lý nghiêm minh, rõ ràng. Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, bộ quy tắc cần được cụ thể hóa thành thông điệp truyền thông chung. Nên biểu tượng hóa thành những ký hiệu mà tất cả các du khách ai cũng hiểu được như: Cách ăn mặc, không xả rác, phải xếp hàng...
Đại diện ngành du lịch, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho hay, để bộ quy tắc đi vào cuộc sống chúng ta phải biến thành cuộc vận động để nâng cao văn hóa ứng xử của người dân khi đi du lịch, hội nhập quốc tế; phải tiến hành lâu dài, thường xuyên, bền bỉ theo phương thức mưa dầm thấm lâu, xây kết hợp chống, và tùy từng giai đoạn có bước đi phù hợp.
Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Tổng cục Du lịch sẽ triển khai mạnh mẽ Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tới nhiều đối tượng để tạo chuyển biến thật sự. Đồng thời, đưa việc triển khai thực hiện văn minh du lịch trở thành một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu, giải thưởng cho các doanh nghiệp du lịch. |