Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang mở rộng cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu (XK), trong đó có ngành da giày, song cũng kéo theo nguy cơ gia tăng các vụ kiện PVTM. Vậy, bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Nền kinh tế hội nhập sâu, ngoài cơ hội cho hàng hóa Việt thâm nhập các thị trường XK rộng lớn thì các vấn đề về PVTM cũng hết sức quan trọng. Đến nay, việc chúng ta bị kiện là hoàn toàn có thể xảy ra, bởi khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, hàng hóa XK có mức tăng đột biến là lập tức các thị trường sẽ áp dụng các biện pháp PVTM.
Từng bước cải thiện năng lực ứng phó vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp |
Với thuận lợi từ các FTA, ngành da giày Việt Nam tiếp tục đứng trước thách thức về kiện PVTM do tăng trưởng XK. Các DN cũng như toàn ngành đang rất lo ngại, bởi chỉ cần một dấu hiệu vi phạm, bị xem xét điều tra PVTM là các đơn hàng của doanh nghiệp (DN) sẽ lập tức bị các đối tác hủy bỏ và họ sẽ chuyển đơn hàng sang quốc gia khác. Một số sản phẩm da giày Việt Nam thời gian qua đã đối mặt rất lớn từ các vụ kiện của Hoa Kỳ, EU, Canada, Brazil.
Từ góc độ DN, bà có thể cho biết về một số hiệu quả từ sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về PVTM?
Đến nay, công tác PVTM chúng tôi đánh giá cao khi Chính phủ, bộ, ngành, cụ thể là Bộ Công Thương đã xây dựng chiến lược, hành động tổng thể để ứng phó, chủ động chuẩn bị cho những vụ việc PVTM trước xu thế hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Trong đó, Bộ Công Thương đã thể hiện vai trò quan trọng, phát huy đơn vị đầu mối về công tác PVTM của Chính phủ, hỗ trợ và bảo vệ lợi ích rất lớn cho DN, ngành hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ngoài những kết quả chúng ta đạt được, điều mà các DN, ngành hàng mong muốn và quan tâm lớn đó là Chính phủ, bộ, ngành cần hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa cho DN về PVTM.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam |
Về phía DN, mặc dù có những quan tâm đến PVTM, song vẫn còn hạn chế. Điều này rất đáng lo, bởi khi một mặt hàng bị kiện PVTM thì không chỉ DN hứng chịu mà thậm sẽ dẫn tới hiệu ứng domino kéo theo cả ngành thậm chí cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, việc thực hiện nhiều cam kết FTA, không chỉ các vi phạm về thuế quan mà phi thuế quan mới thực sự là thách thức đối với các DN; đặc biệt, các quốc gia thường thực hiện theo quy định, cam kết, nếu đối tác không thực hiện đúng là họ sẽ khởi kiện. Điều này còn cho thấy, thị trường ngày càng khốc liệt chứ không chỉ toàn màu hồng ở việc gỡ bỏ thuế quan… Do vậy, các chính sách PVTM cần được ban hành kịp thời, đồng bộ, tạo ra các hành lang cơ chế phù hợp với cam kết quốc tế. Cộng đồng DN cũng cần nhận thức rõ là quá trình thực thi các cam kết FTA là trách nhiệm của cả hai bên, nếu DN không tuân thủ sẽ bị tuýt còi.
Vậy, phía hiệp hội có những chương trình hành động cụ thể gì về PVTM nhằm bảo vệ lợi ích của DN trong ngành?
Các hiệp hội, trong đó có Hiệp hội Da giày - Túi xách vẫn đang cố gắng làm tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, thế nhưng mới chỉ tập trung nhiều vào các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền về các chính sách, pháp luật của nhà nước và mới đây là các hiệp định. Với vai trò ngày càng quan trọng của PVTM, hiệp hội đang rất quan tâm và tập trung lên kế hoạch để tuyên truyền về PVTM cho DN trong ngành, trong đó, mong muốn lớn nhất là làm sao giúp DN hiểu, nắm rõ các quy định quốc tế, thực hiện đúng cam kết, tránh những vi phạm, vụ kiện từ các nước.
Tuy nhiên, hiệp hội cũng gặp khó khăn khi nguồn lực có hạn, tính chuyên nghiệp cũng như bộ phận am hiểu pháp luật quốc tế chưa cao, chưa kể hệ thống hoạt động khác biệt… nên năng lực hỗ trợ DN ứng phó với các vụ việc về PVTM còn yếu. Để tháo gỡ những khó khăn này, hiệp hội cũng mong nhận được sự trợ giúp nhiều hơn từ Chính phủ, bộ, ngành nhất là Bộ Công Thương trong việc phổ biến, tìm hiểu về cam kết FTA cũng như chính sách, pháp luật về PVTM; qua đó từng bước cải thiện năng lực ứng phó về PVTM cho DN cũng như toàn ngành da giày.
Xin cảm ơn bà!