Ứng phó dịch nCoV: Có thể dừng đơn hàng may xuất khẩu để tập trung sản xuất khẩu trang
Tin hoạt động 04/02/2020 18:51
Giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế
Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tìm mọi biện pháp ngăn chặn dịch lây lan ở Việt Nam, đặc biệt phải có giải pháp tổng thể, nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Đánh giá về công tác ứng phó với dịch nCoV trong thời gian qua của, Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, ngành đã thực hiện một cách hiệu quả. Theo đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Công an… và bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch. Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo kịp thời công tác tái cơ cấu sản xuất và tìm hướng mới để đảm bảo sản xuất. Nhiều ngành kinh tế khác: hàng không, chứng khoán, du lịch… cũng đã có cố gắng, nỗ lực rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các ngành, các địa phương không chủ quan nhưng không bi quan, tiếp tục ứng phó dịch nCoV với tinh thần chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe của nhân dân |
Thủ tướng cũng đánh giá các tỉnh biên giới đã thực hiện có hiệu quả chủ trương của Thủ tướng trong việc kiểm soát người đi lại, có giải pháp ngăn chặn những người đi từ vùng dịch, nhiễm bệnh vào Việt Nam.
“Hiệu quả bước đầu là tốt, khắc phục tình trạng lây lan, cơ sở vật chất chuẩn bị, triển khai mạnh mẽ ở các bệnh viện, địa phương, các ngành; huy động đội ngũ cán bộ, chuyên gia tham gia tích cực” – Thủ tướng nói và nêu điển hình như các bệnh viện Chợ Rẫy và Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã điều trị bệnh nhân mắc bệnh thành công, đã xuất viện.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp với dự báo cuối tuần này và tuần sau là thời điểm dịch bùng phát và có nhiều ý kiến cho rằng dịch có thể kéo dài nhiều tháng, do đó, cần phải đề cao, cảnh giác và có giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, cấp ngành trao đổi để tháo gỡ vướng mắc, có quyết sách mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn trong phòng chống dịch nCoV.
“Không chủ quan nhưng không bi quan, gây hoang mang trong nhân dân” – Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc lại tinh thần ứng phó chủ động trên mọi lĩnh vực ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra với tinh thần chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Đặc biệt, Thủ tướng giao các bộ, ngành triển khai nhanh các biện pháp tái cơ cấu sản xuất, đảm bảo tăng trưởng.
Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona – cho biết, thông tin quốc tế cho thấy đã có những trường hợp lây bệnh ngoài Trung Quốc, cho thấy dịch còn diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, các tính toán khoa học cho thấy, dịch tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong 7-10 ngày tới và số người mắc bệnh gia tăng mạnh trong những ngày vừa qua là số mắc bệnh từ trước mà chưa phát hiện ra. Còn tại Việt Nam, với 10 bệnh nhân đã ghi nhận cho đến nay, ông Long cho rằng dịch đã ở “nấc 2”, tức là có bệnh nhân F2 - người không đi lại ở Trung Quốc mà lây bệnh tại Việt Nam. Đặc biệt, bệnh nhân dương tính mới nhất ở Vĩnh Phúc không sống cùng bệnh nhân mang nguồn lây, mà dịp tết có ăn tết, tụ họp cùng nhau và lây bệnh.
Thứ trưởng Long khuyến cáo, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cách ly, gồm 3 vòng: thứ nhất, tất cả những người bệnh, nghi nhiễm bệnh thì đều coi là bệnh và phải cách ly tuyệt đối tại bệnh viện; thứ hai là cách ly những trường hợp công dân Việt Nam và Trung Quốc đi qua Trung Quốc về Việt Nam, trường hợp nay thực hiện cách ly tại gia đình và cơ sở lưu trú; và vòng thứ ba là những người tiếp xúc xung quanh là cách ly hạn chế.
“Ngành y tế xác định mỗi người từ vùng dịch là một ổ dịch nên phải kiểm soát ngay, bởi lây lan ra thì rất là khó kiểm soát” – Thứ trưởng Long nói và khẳng định, với các biện pháp tổng thể nói trên sẽ kiểm soát được dịch.
Còn về thông tin vẫn còn người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam, Thứ trưởng Long thông tin, trong số 194 người nhập cảnh biên giới Việt - Trung trong ngày 3 và 4/2, không có người Trung Quốc nào, trong khi xuất cảnh qua biên giới Việt - Trung là 1.303 trường hợp đều là người Trung Quốc.
Có thể dừng đơn hàng may xuất khẩu để tập trung sản xuất khẩu trang
Tại cuộc họp, báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ứng phó với dịch nCoV của ngành Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ: Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Y tế để triển khai các giải pháp ứng phó với dịch Corona. Chủ động chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia… (những nước có sẵn nguồn nguyên liệu - PV) kết nối với các doanh nghiệp để tìm kiếm các nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất mặt hàng khẩu trang.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Trong trường hợp khẩn cấp, các đơn vị may mặc có thể dừng các đơn hàng xuất khẩu để tập trung sản xuất khẩu trang phòng, chống dịch |
“Hiện nay giá nguyên liệu sản xuất khẩu trang trên thế giới đã tăng, song để phòng, chống dịch thì vẫn phải mua” – Thứ trưởng An nói và nhấn mạnh, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ Công Thương, các doanh nghiệp, điển hình như Tập đoàn Dệt may đã chỉ đạo Công ty Dệt kim Đông Xuân và Công ty may Đồng Nai tập trung sản xuất khẩu trang từ vải kháng khuẩn – loại khẩu trang có thể giặt và tái sử dụng nhiều lần, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Với năng lực sản xuất tại thời điểm hiện tại đạt khoảng 200 nghìn chiếc/ngày và sẽ tăng lên 500 nghìn chiếc/ngày trong khoảng 1 tuần nữa.
Khẳng định, “trong trường hợp khẩn cấp, nếu có yêu cầu, các đơn vị này sẽ dừng các đơn hàng may xuất khẩu để tập trung sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An tự tin, trong trường hợp đó, năng lực sản xuất có thể đạt tới 30 triệu chiếc/ngày.
Các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế và khẩu trang vải kháng khuẩn đã thực sự ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch với quan điểm ưu tiên cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước |
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Bộ Công Thương đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, nâng giá, xuất lậu mặt hàng khẩu trang. Đặc biệt, từ khuyến cáo của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế và khẩu trang vải kháng khuẩn đã thực sự ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch với quan điểm ưu tiên cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước.
Thứ trưởng An cũng báo cáo, đối với lực lượng lao động, nhất là lao động tại các cơ sở công nghiệp, thương mại, các Bộ, ngành đã có văn bản yêu cầu dừng nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng chuyên gia, lao động người Trung Quốc nhưng đã về nước trong dịp Tết thuyết phục họ tạm thời chưa quay lại Việt Nam.