Hiện các quốc gia trên thế giới đang quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, thương mại điện tử và kinh tế số; việc lựa chọn đầu tư, sắp xếp lại chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất… hứa hẹn sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Song bên cạnh thuận lợi, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, rủi ro lớn nhất vẫn là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sức chống chịu và nguồn lực của nhà nước, DN và người dân giảm sút.
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) |
Riêng về vấn đề PVTM sẽ có những diễn biến mới liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Như đã thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhưng xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trước xu thế bảo hộ tại một số thị trường, cũng sẽ khiến số lượng các vụ việc PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng. Nếu không có sự chủ động ứng phó, DN sẽ gặp những bất lợi.
Cục PVTM sẽ luôn theo sát và thực hiện các hoạt động PVTM trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế.
Cụ thể, Cục PVTM sẽ triển khai Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới". Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội, đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, nhập khẩu để kịp thời có biện pháp phù hợp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Đối với các vụ việc điều tra, Cục PVTM sẽ tiếp tục tiến hành một cách công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo ý kiến của tất cả các bên có lợi ích liên quan đều được lắng nghe, đưa ra những kết luận phản ánh chính xác nhất nhằm ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu.
Còn đối với công tác chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp PVTM, Cục PVTM sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động trọng tâm nào?
Với quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp PVTM, thời gian qua, trên cơ sở danh sách cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Kết quả xác minh đã phát hiện một số DN cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam, từ đó các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp.
Công tác hỗ trợ DN ứng phó với các biện pháp PVTM sẽ tiếp tục được đẩy mạnh |
Thời gian tới, để thực hiện một cách có hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg và Nghị quyết số 119/NQ-CP về chống gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để thực hiện công tác phòng, chống gian lận xuất xứ một cách có trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chân chính ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý, theo ông, cộng đồng DN cần làm gì để ứng phó với PVTM, gia tăng sức cạnh tranh trong tình hình mới?
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng, các ngành sản xuất, xuất khẩu và DN Việt Nam cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; cân nhắc các rủi ro về PVTM khi xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu. Đồng thời, DN cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM; theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chống gian lận xuất xứ hàng hóa một cách có trọng tâm, trọng điểm.
Xin cảm ơn ông!